Hà Nội: Phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị

Tài chính - Đầu tư
08:16 AM 20/07/2024

Phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của TP Hà Nội trong thời gian tới. Bộ Chính trị yêu cầu Hà Nội phải có đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị.

HĐND TP Hà Nội tại kỳ họp đầu tháng 7 đã cho ý kiến về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô. Theo đó, Đề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị (ĐSĐT) là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của TP.

Trong đó 14 tuyến ĐSĐT của Hà Nội, gồm: Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo (1); Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình - Xuân Mai (2); Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai (2A); Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn (3); Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà (4); Văn Cao - Hòa Lạc (5); Nội Bài - Mai Dịch (6); Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi (7); Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá (8); Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2 (9); Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá (10); Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 (11); Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai (12); Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân (13).

Hà Nội: Phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô: “1 kế hoạch, 3 phân kỳ”. Ảnh: Internet

Về kế hoạch thực hiện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cho biết Hà Nội sẽ phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt 50%-55%; sau năm 2035 đạt 65%-70%.

Để hoàn thành mục tiêu đó, thành phố đã đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư. Phân kỳ 2024-2030: Hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỉ USD.

Phân kỳ 2031-2035: Hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỉ USD. Về năng lực vận tải, đến sau 2030, ĐSĐT đảm nhận từ 35%-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỉ USD.

Phân kỳ 2036-2045: Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7 km ĐSĐT các đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo quy hoạch thủ đô và quy hoạch chung thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỉ USD.

Về phương án huy động, dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, Hà Nội dự kiến đến năm 2035 TP cân đối được khoảng 28,560 tỷ USD.

Đến năm 2045 có thể cân đối được khoảng 29,210 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD. Giai đoạn sau năm 2035, TP Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung. Cùng với việc bố trí vốn, UBND TP Hà Nội cũng đề xuất được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, với các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, trong đó hệ thống ĐSĐT được coi là trục xương sống của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống ĐSĐT sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...

Huyền My
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.