Hà Nội: Phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP
Ngày 26/8 Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị". Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội, đại diện một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội và chủ thể OCOP.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đánh giá, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực địa phương và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chương trình này ra đời với 3 mục tiêu. Đó là: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tại Hà Nội, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, 29/30 quận, huyện, thị xã đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá "đầu tàu" trong triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Qua 15 năm triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố, Ban chỉ đạo các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.
Các ngành, các thành viên Ban chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức các hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố; giới thiệu, kết nối nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm mùa vụ, có khó khăn trong việc tiêu thụ… của các tỉnh, thành phố vào các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm…; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn Thành phố đến các quận, huyện, thị xã..; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.
Dù "dấu ấn" OCOP đã tương đối rõ, tuy nhiên, việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng còn những khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội cùng với MTTQ Thành phố và các sở ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tôn vinh doanh nghiệp, nhà sản xuất có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Hạ tầng thương mại của TP Hà Nội hiện nay được phát triển mạnh mẽ, với nhiều hệ thống phân phối lớn của các nước đầu tư, mở rộng (Aeon, Lotte, Fujimart, BigC…) và những doanh nghiệp phân phối lớn trong nước như Winmart, Coopmart… với 29 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ truyền thống, trên 2.000 cửa hàng tiện ích; 1.085 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 107 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trên 400 sàn thương mại điện tử... hàng năm hỗ trợ kết nối, tiêu thụ khoảng 500.000 tấn sản phẩm nông sản, OCOP từ các tỉnh, thành phố phục vụ cân đối cung cầu trên địa bàn Thủ đô.
Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tổ chức hội chợ "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích". Hội chợ nhằm quảng bá, tuyên truyền sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tổ chức chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích".
Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, Sở tổ chức hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông đánh giá, trong những năm qua, chương trình OCOP đã trở thành một điểm sáng trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta. Qua nhiều năm thực hiện, chương trình đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được nâng tầm, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Chương trình OCOP không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm truyền thống vùng miền.
OCOP là sản phẩm mang tính đặc trưng của Việt Nam, được sản xuất và phân phối bởi các doanh nghiệp Việt. Vì thế, OCOP không chỉ là sản phẩm, mà còn là câu chuyện về sự đoàn kết và sáng tạo của người Việt.
Phát huy tinh thần vì cộng đồng, thời gian qua Saigon Co.op đã và đang nỗ lực để lan tỏa câu chuyện này đến với người tiêu dùng một cách sinh động, hiệu quả. Đó cũng là một phần không thể thiếu trong định hướng phát triển của chúng tôi.
Saigon Co.op luôn tích cực tham gia những sự kiện xúc tiến thương mại của các địa phương; chủ động tìm kiếm, mở rộng nguồn cung theo nhu cầu tiêu dùng; xây dựng các hồ sơ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, cơ sở sản xuất tại địa phương những điều kiện cần và đủ để nhanh chóng đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống.
Hiện tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op có hơn 130 mặt hàng OCOP gồm trái cây, trứng gia cầm, mật ong, yến sào chưng đường phèn, bột rau củ các loại, nước màu dừa, tiêu, miến dong, bánh tráng, hạt điều… đến từ các hợp tác xã của TP Hồ Chí Minh Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đăk Nông, Kiên Giang, Thanh Hoá, Hà Nội, Thái Nguyên.
Thực tế tiêu thụ sản phẩm OCOP cho thấy, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, doanh nghiệp bên cạnh tập trung vào đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm, cũng cần chú trọng vào thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng, mà thông qua đó người tiêu dùng có thể hiểu được câu chuyện về sản phẩm, tạo sự khác biệt với sản phẩm OCOP của vùng miền khác. Từ đó quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm, doanh nghiệp được tạo điều kiện qua các cơ chế, chính sách của Thành phố cũng như được đông đảo người tiêu dùng biết và tin dùng thông qua các hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động Thành phố.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, hỗ trợ doanh nghiệp hàng Việt quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp; một trong những giải pháp đó là đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các sở, ngành Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, khuyến khích khởi nghiệp góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai hiệu quả hơn, rất cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn của các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động Thành phố Hà Nội. Các hoạt động triển khai thực hiện Cuộc vận động cần tiến hành thường xuyên hơn, đặc biệt là công tác tuyên truyền.
Để duy trì, phát triển chương trình OCOP, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, Thành phố Hà Nội cần tiếp tục mở rộng liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ thống logistics. Thúc đẩy xây dựng mạng lưới các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Nhật MaiTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.