Hà Nội: Phát huy thế mạnh của du lịch cộng đồng
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, làng nghề, văn hóa phong phú, đa dạng, cũng như lợi thế về nông nghiệp, Hà Nội được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Còn nhiều dư địa phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, trong đó người dân bản địa đóng vai trò quan trọng.
Hà Nội là nơi có bề dày văn hóa, lịch sử, hệ thống di sản, làng nghề đặc sắc phân bố khá đều ở cả khu vực nội thành, ngoại thành, đó là tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng.
Hà Nội phát triển theo mô hình những làng nghề của nông thôn, nói đến 36 phố phường Hà Nội xưa với mỗi tên phố là phản ánh những nghề đặc trưng ở đó. Ngoài ra trong lòng đô thị Hà Nội ẩn chứa nhiều làng nghề khác nhau, Hà Nội hoàn toàn có thể khai thác được du lịch cộng theo nền của các làng nghề truyền thống, hay đặc trưng văn hóa nổi bật của làng đó, khách đến tham quan có thể tham gia học hỏi và tìm hiểu các nghề thủ công, ở cùng với người dân và tham gia vào các hoạt động du lịch khác để trải nghiệm.
Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo ra sản phẩm khác biệt, giàu tính trải nghiệm cho du khách, như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu vực chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức), làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức), làng thuốc nam người Dao (huyện Ba Vì)…, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Thủ đô.
Song, sự phát triển của du lịch cộng đồng tại Hà Nội vẫn chưa thật sự “cất cánh” bởi sự phát triển không đồng đều, vẫn đang gặp không ít khó khăn, hạn chế.
Chẳng hạn, mặc dù Ba Vì có rất nhiều lợi thế về thiên nhiên, đa dạng dân tộc sinh sống, có nhiều cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng, thế nhưng hình thức du lịch này vẫn ở giai đoạn manh nha hình thành. Hay như xã Hồng Vân được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố từ năm 2018 và được công nhận sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch" năm 2022, xã có “đặc sản” thu hút du khách là làng nghề sinh vật cảnh, song việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn rất mới mẻ.
Ngay cả làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) với các di tích cổ, làng nghề lâu năm, sản phẩm đa dạng thu hút nhiều du khách nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn mang tính tự phát, thiếu cơ sở lưu trú qua đêm cho du khách.
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, song du lịch cộng đồng tại Hà Nội vẫn thể hiện tính tự phát, chủ yếu là người dân tự làm, thiếu sự đồng bộ, chất lượng dịch vụ còn hạn chế.
Ngoài ra, điều quan trọng nhất của du lịch cộng đồng chính là người dân địa phương. Song, cái khó hiện nay là người dân ở các làng quê vốn quen làm nông nghiệp và nghề thủ công tại các làng nghề, nên rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với khái niệm du lịch cộng đồng. Vì chưa nhìn thấy lợi ích, nên ít người chịu bỏ tiền đầu tư hạ tầng, cải tạo nhà cửa để làm du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, thiếu sự phối hợp và chưa có sự quan tâm đúng mức của các ngành, nhất là việc phát triển hạ tầng trong và ngoài phạm vi làng nghề. Các di tích lịch sử chưa được đầu tư, khai thác và nâng tầm thỏa đáng để phát triển. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp, quà lưu niệm còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đối với du khách mọi miền, du lịch cộng đồng tại Hà Nội chưa để lại ấn tượng sâu sắc. Tuy nhiên, đây là một hướng phát triển du lịch đầy tiềm năng và hứa hẹn nhiều dư địa phát triển.
Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng
Trong Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 của UBND TP. Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trên đối với Hà Nội, du lịch cộng đồng sẽ là một trong những mũi nhọn được tập trung đầu tư để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. Thực hiện kế hoạch này, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức hàng chục hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn về cách triển khai du lịch cộng đồng.
Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của những đơn vị lữ hành để tăng thêm tính kết nối trong việc quảng bá, tạo các tour, tuyến du lịch... từ đó có thể “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh cũng như khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho biết, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò định hướng, cũng như có sự đầu tư bài bản về hạ tầng để người dân nhận thấy những lợi ích lâu dài trong việc phát triển du lịch.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) - người trực tiếp hướng dẫn cho người dân cách xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của địa phương, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân, vai trò của công tác quản lý rất quan trọng. Chính quyền địa phương cần khơi dậy lòng tự hào về làng quê trong mỗi người, để họ kể cho du khách những câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử và nghề truyền thống của quê hương mình.
Hà Nội đã và đang có những nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng môi trường du lịch và ý thức du lịch trong cộng đồng dân cư, để mỗi người dân tại các điểm đến đều có thể tự tin tham gia làm du lịch, trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp tại địa phương, mang đến cho du khách không chỉ những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc mà còn góp phần quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách.
Minh AnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.