Hà Nội: Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững
Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức Diễn đàn “Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững”. Diễn đàn là dịp để các chuyên chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến thực tiễn về phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, ngày 27/11, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm dành nhiều thời gian nói về 2 vấn đề rất quan trọng là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt là xử lý ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là sông Tô Lịch. Đặc biệt, hiện nay vấn đề đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về môi trường, xã hội và văn hóa.
Trước thực trạng đó, khái niệm "đô thị xanh" đã nổi lên như một hướng đi không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đô thị xanh không chỉ là những không gian với nhiều cây xanh, mà còn là sự tích hợp của các giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng, quản lý nguồn nước, giao thông và công nghệ thông tin.
"Tại diễn đàn này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về những xu hướng mới nhất trong phát triển đô thị xanh, cả những bài học kinh nghiệm từ những thách thức phải đối mặt. Chúng ta cùng đặt ra những câu hỏi: Làm thế nào để các giải pháp đô thị xanh trở nên thực tế và khả thi hơn? Làm thế nào để kết hợp giữa phát triển đô thị và bảo tồn thiên nhiên một cách tối ưu nhất? Làm thế nào để cư dân đô thị được tận hưởng cuộc sống tốt đẹp nhất?" - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Với dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với thành phố. Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường và quản lý năng lượng hiệu quả.
Trong bối cảnh thế giới đối diện với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên, phát triển bền vững đã và đang trở thành định hướng không thể thiếu. Lãnh đạo TP Hà Nội đã nhận rõ điều đó và xây dựng những chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân mà không làm suy giảm nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Một trong những hạt nhân của sự phát triển đô thị xanh là việc ưu tiên quy hoạch không gian công cộng và hệ thống cây xanh, trong thời gian tới vấn đề cấp bách là làm thế nào để làm sạch Sông Tô Lịch – dòng sông có ý nghĩa lịch sử, văn hóa với Thủ đô Hà Nội.
Những năm qua, trên địa bàn Thủ đô có nhiều công viên, vườn hoa và hồ điều hòa được tạo lập, cải tạo để tăng cường mật độ cây xanh, giúp điều hòa khí hậu, cải thiện chất lượng không khí. Hệ thống giao thông công cộng cũng được nâng cấp với việc ưu tiên phát triển xe buýt nhanh (BRT), đường sắt trên cao và khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị sinh thái, ứng dụng công nghệ thông minh. Các tòa nhà xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng đang dần trở thành xu hướng phổ biến trong kiến thiết đô thị mới.
"Để phát triển đô thị xanh bền vững, sự tham gia của cộng đồng là không thể thiếu. Chính quyền và các tổ chức xã hội đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chung tay của người dân. Việc hưởng ứng của cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn làm đẹp TP, duy trì bản sắc văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Trong tương lai, với sự nỗ lực, kiên trì và hợp tác của toàn TP, chúng ta tin tưởng rằng Hà Nội sẽ tiếp tục tiến xa hơn trong hành trình phát triển đô thị xanh, trở thành hình mẫu tiêu biểu cho các đô thị cả nước" - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết thêm.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Hà Minh Hải – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, phát triển xanh, phát triển đô thị xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đô thị xanh không chỉ đảm bảo môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá lịch sử, nâng cao chất lượng sống.
Đó là nền tảng để xây dựng những cộng đồng thịnh vượng, bền vững, nơi mà tăng trưởng không còn phụ thuộc vào sự khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị hiệu quả của chính quyền và sự đoàn kết chung tay của cả xã hội, quyết định đến sự thành công. Đây chính là con đường giúp các đô thị hiện thực hóa khát vọng trở thành nơi đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát triển nhanh và bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, một đô thị đặc biệt với vai trò là đầu tàu về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế của cả nước. Hà Nội là một trong 20 Thủ đô có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Hà Nội cũng tự hào có một lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo, sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức trong thời kỳ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng, TP cũng phải đối mặt với những thách thức lớn như: mật độ dân cư đông đúc, quá tải hệ thống y tế và giáo dục, cùng những vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông.
Theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng "xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển... Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường,… thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường Sông Nhuệ - Sông Đáy, sông Tô Lịch; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch".
Nhật HàMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.