Hà Nội: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá bền vững
Thủ đô Hà Nội sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Hà Nội, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô trên bản đồ du lịch thế giới.
Hơi thở di sản trong lòng phố
Là một trong số ít thủ đô trên thế giới có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, Hà Nội trải qua hơn nghìn năm với bao biến đổi thăng trầm, đã lưu giữ cho mình những giá trị bất biến, trong đó có nguồn lực di sản văn hóa đa dạng, dồi dào, với nhiều đại diện tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa dân tộc.
Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, những điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của Thủ đô như: Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa di sản.
Hà Nội cũng có hệ thống bảo tàng, nhà hát được khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá, như Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội... Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử là những lễ hội truyền thống với nhiều quy mô, hình thức khác nhau, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô, tiêu biểu như hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010), hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai), hội chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)…
Cùng với đó là những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, những di sản kiến trúc, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực… độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương.
Dựa trên “mỏ vàng” di sản, Hà Nội đang sáng tạo nhiều sản phẩm văn hóa du lịch để thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Điển hình, những loại hình đặc sắc của Hà Nội như ca trù, hát xẩm, hát văn, hát chèo, đánh trống quân... những năm qua đã vẫn được duy trì biểu diễn vào các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần tại phố Hoa Lư (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thông qua hoạt động này, các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu của Trung tâm Xúc tiến và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) đã tạo nên điểm đến trải nghiệm văn hóa di sản trong lòng phố cho đông đảo người dân và du khách tới Hà Nội từ năm 2016 đến nay.
Không dừng lại ở những chương trình, sản phẩm sân khấu trong nhà, những người yêu xẩm Hà Nội còn đưa loại hình âm nhạc này “sống” gần hơn với nhân dân Thủ đô và du khách tại nhiều điểm diễn khác, như sân đình Nam Hương - Tượng đài Vua Lê (đường Lê Thái Tổ) của nhóm Xẩm Hà Thành vào mỗi tối cuối tuần; trước cửa chợ Đồng Xuân của Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nhóm nghệ sĩ, CLB cũng lập nên các nhóm hát ca trù, hát văn, hát chèo... trình diễn tại Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Thực tế cho thấy, du lịch văn hóa là một trong những thế mạnh hàng đầu của Hà Nội. Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô Hà Nội.
Du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống cũng được bảo tồn và phát huy. Ở Hà Nội, có thể kể đến các đơn vị nghệ thuật truyền thống, như Nhà hát múa rối Thăng Long đã hoạt động kinh doanh rất tốt, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng năm, là điểm đến không thể thiếu của du khách nước ngoài nào khi tham quan Thủ đô Hà Nội.
Nhận thấy rõ những lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển, góp phần đáng kể trong việc khẳng định vị thế trung tâm du lịch lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước. Nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch đã được triển khai. Một số sản phẩm du lịch đã ghi được dấu ấn với du khách, như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng, chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Thành phố cũng tập trung khai thác du lịch văn hóa kết hợp với tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển du lịch hội nghị; thông qua đó quảng bá trên khắp thế giới hình ảnh về Thủ đô Hà Nội thân thiện, hòa bình, giàu truyền thống văn hóa.
Phát huy văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc
Không chỉ vậy, phát triển du lịch còn gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá ẩm thực. Là trung tâm văn hóa của cả miền Bắc từ nhiều thế kỷ, Hà Nội có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây, phở Hà Nội, bún thang, nem cuốn…
Vừa qua, nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor đã chọn Thủ đô Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023. Tripadvisor đánh giá, với nhiều món ăn đặc trưng, Thủ đô của Việt Nam ngày càng thu hút nhiều du khách, đặc biệt là những người sành ăn từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều người nước ngoài đến Hà Nội đã tranh thủ cơ hội để thưởng thức những món ăn dân dã ngay trên đường phố của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đã không ít lần những món ngon Hà Nội được vinh danh quốc tế. Bảng xếp hạng lần này cũng khẳng định giá trị văn hóa ẩm thực Hà Nội trên bản đồ du lịch quốc tế. Trong đó, bún chả, kem Tràng Tiền, cà phê sữa... là những món ăn nổi tiếng ở Hà Nội được đánh giá 4 đến 4,5 sao.
Theo giải thưởng Best of the Best, trong khuôn khổ Travellers' Choice của Tripadvisor, Thủ đô của Việt Nam vẫn đang "trường tồn" theo năm tháng nhờ bảo tồn tốt các di tích và kiến trúc văn hóa, ẩm thực gắn với dòng chảy của sự phát triển hiện đại. Nhờ đó, ẩm thực và văn hóa truyền thống Hà Nội luôn có một nét cuốn hút đặc biệt, thu hút đông đảo khách du lịch.
Vì vậy, để sản phẩm du lịch đặc biệt này được tỏa sáng một cách bền vững hơn, ngành Du lịch, các đơn vị liên quan, từng doanh nghiệp dịch vụ du lịch Hà Nội chú trọng nhiều hơn đến các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, đầu tư công phu hơn cho khâu giới thiệu về nghệ thuật ẩm thực gắn với bản sắc văn hóa, đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương.
Từ nhiều năm nay, Du lịch Hà Nội đã quan tâm đến việc khai thác giá trị văn hóa ẩm thực vào phát triển du lịch bằng việc xây dựng chương trình du lịch với điểm đến là các cơ sở dạy nấu ăn cho người nước ngoài. Du lịch ẩm thực Hà Nội đã được một số công ty du lịch thiết kế đưa vào sản phẩm tour phục vụ chủ yếu là người nước ngoài, thích trải nghiệm, khám phá văn hóa khi đến Hà Nội.
Tour du lịch được xây dựng theo cách thức đưa khách đến tham gia làm món ăn truyền thống và thưởng thức luôn món ăn đó. Vào các buổi tối, đặc biệt là tối cuối tuần, trên các tuyến phố Tạ Hiện, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Tống Duy Tân, Tô Tịch, phố Gầm Cầu… trong khu phố cổ Hà Nội, tập trung rất nhiều người dân và du khách thưởng thức ẩm thực Hà Nội. Du khách đến không chỉ thưởng thức hương vị các món ngon mà còn giao lưu, trò chuyện và tận hưởng không khí sôi động của đêm phố cổ Hà Nội.
Hiện nay, ngành Du lịch Hà Nội đang quan tâm phát triển du lịch ẩm thực, coi du lịch ẩm thực là một trong bảy nhóm sản phẩm du lịch trọng tâm để kích cầu du lịch. Theo đó, ngành Du lịch phát triển nhóm sản phẩm ẩm thực, món ngon Hà Nội tại một số quận trọng điểm như: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên. Đồng thời, ngành Du lịch cũng phát triển đồng bộ các dịch vụ đi kèm, công tác quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực đặc trưng, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, khám phá văn hóa Hà Nội qua hương vị ẩm thực.
Để di sản văn hóa và ẩm thực là nguồn lực lớn cho phát triển ngành du lịch Thủ đô, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ với báo chí, ngành Du lịch Thủ đô sẽ nghiên cứu, quy hoạch, lập trình, thiết kế những tour lữ hành tham quan các di sản văn hóa là mục tiêu hướng đến của du lịch văn hóa, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa. Xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam và Hà Nội; tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, Thành phố sáng tạo từ đó tạo cơ hội cho phát triển du lịch văn hóa…
Hồng NhungGiá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (10/10) sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.