Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững

Địa phương
02:47 PM 06/05/2023

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn xanh, bền vững, thân thiện với môi trường được nhiều nước trên thế giới áp dụng và cũng đã được triển khai ở Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, muốn phát triển hiệu quả loại hình này cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện tại.

Hà Nội với lợi thế về tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nhằm cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quan tâm việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Do đó, việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch của Thủ đô và cả nước.

Hiện nay, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)… Những mô hình du lịch xanh này đi vào hoạt động đem lại lợi ích kép cho Hà Nội, vừa giúp Thủ đô phát triển kinh tế lâu dài, bền vững, vừa tạo nên một hình ảnh Hà Nội thật đẹp trong mắt du khách.

Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững - Ảnh 1.

Các em học sinh tham gia trải nghiệm tại khu du lịch Hải Đăng, Thanh Trì. (Nguồn: Kinhtedothi.vn)

Bên cạnh đó, Hà Nội không chỉ có ưu thế về du lịch văn hóa, lịch sử mà có thêm tiềm năng về du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Bởi lẽ, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, những làng nghề, làng cổ ở ngoại thành là nền tảng tốt để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Thủ đô.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí phát triển du lịch cho các làng nghề về nâng cấp hạ tầng như đường giao thông, mạng lưới điện, nước sạch. Đồng thời, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành và duy trì đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở hướng dẫn du khách tại một số làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, điêu khắc gỗ Sơn Đồng… bước đầu đạt được những kết quả tích cực. 

Đơn cử như làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) là một bức tranh tiêu biểu, khắc họa rõ nét nhất những đặc trưng của làng cổ xưa xứ Bắc. Bên cạnh những bức tường đá ong sứt sẹo dấu ấn mưa nắng, khắc họa thời gian thì nhiều ngôi nhà cổ trong làng cho đến nay vẫn còn đậm nét kiến trúc cổ kính.

Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững - Ảnh 2.

Làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Sưu tầm, internet)

Đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã, đến nay, Hà Nội đã tổ chức đoàn thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022; đồng thời đã tiến hành thẩm định 12 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Kết quả, 12 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội công nhận. Đây là cơ sở để lựa chọn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tại hội thảo "Xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội" do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức gần đây, nhiều đại biểu nhận định, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, thưởng thức của đông đảo du khách.

Hoạt động du lịch khu vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã được triển khai tại nhiều địa phương, trong đó đã hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phong phú tại nhiều vùng quê trên địa bàn thành phố. Nhu cầu và xu hướng khách du lịch nội địa và quốc tế đến các vùng nông thôn, nông nghiệp ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm cũng như thu hút khách du lịch.

Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững - Ảnh 3.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh và bền vững trên địa bàn TP Hà Nội là phù hợp với xu thế thời đại. Ảnh: Internet

Trước những hạn chế của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng việc cần thiết lúc này là phải có tiêu chí đánh giá cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Bên cạnh đó, cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện tại. Hoạt động du lịch này phải gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương.

Đồng thời cần đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.

Cuối cùng yếu tố con người là quan trọng nhất, cần đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển du lịch nông nghiệp. Đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. 

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.