Hà Nội: Phát triển sản phẩm OCOP cần chuyển mạnh từ 'lượng' sang 'chất'

Sản phẩm - Dịch vụ
03:34 PM 16/07/2025

Khi sản phẩm OCOP Hà Nội không chỉ đẹp mắt, chất lượng mà còn “đúng gu” và “đúng kênh”, giá trị bền vững sẽ được tạo dựng, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến tháng 6/2025, thành phố có 3.463 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá từ 3 sao đến 5 sao, dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng.

Hà Nội: Phát triển sản phẩm OCOP cần chuyển mạnh từ 'lượng' sang 'chất'- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: Ảnh: VGP

Các chủ thể OCOP ngày càng chú trọng hơn đến thị trường: Đầu tư máy móc, tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất; xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; thiết kế bao bì phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại...

Bên cạnh đó, sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể được thành phố và địa phương hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có gắn mã QR. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của Hà Nội đã và đang trở thành thương hiệu quen thuộc, chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Một số sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao còn được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Để hỗ trợ sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường, thời gian qua, thành phố Hà Nội đẩy mạnh tổ chức các hoạt động hội chợ, hội thảo, tuần hàng, thúc đẩy phục hồi, phát triển hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP… 

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, thành phố đã phát triển được 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm. 

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, Nam Bộ) cùng nhiều tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm...

Thành phố Hà Nội cũng đã ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn bán lẻ như Central Retail, AEON, Winmart, Hapro để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại. Ngoài ra, các chủ thể còn được tập huấn kỹ năng bán hàng, xây dựng gian hàng số trên sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Tiki, Lazada, Shopee…

Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với nhu cầu thị trường, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, Văn phòng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP thông qua tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số; thúc đẩy liên kết vùng, chuỗi giá trị giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, nhà phân phối. Từ đó hình thành vùng nguyên liệu ổn định và sản xuất theo đơn hàng.

Hà Nội cũng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối, gia tăng số điểm bán OCOP tại đô thị; ưu tiên trưng bày tại các điểm du lịch; hỗ trợ chi phí logistics và quảng bá trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cấp bao bì, kiểm định chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng… để sản phẩm OCOP đủ điều kiện cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm OCOP Hà Nội đã bước qua giai đoạn “lượng”, nay cần chuyển mạnh sang “chất”, đặt người tiêu dùng làm trung tâm và thị trường làm kim chỉ nam. Khi sản phẩm OCOP không chỉ đẹp mắt, chất lượng mà còn “đúng gu” và “đúng kênh”, giá trị bền vững sẽ được tạo dựng, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Minh An
Ý kiến của bạn
Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2025 Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2025

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3-8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Tài chính đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2025.