Hà Nội: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững
Nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Thành phố sẽ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ, hiện đại; Chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao.
Thành phố xác định, thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước, các nước trong khu vực và thế giới.
Về chỉ tiêu, toàn TP phấn đấu đến năm 2025: Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55,5%; Chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.
TP cũng duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp, dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp, dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Về tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 50%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi; 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành trên địa bàn thành phố.
Trong đó giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng mạng lưới thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai; đầu tư nghiên cứu xây dựng, thường xuyên phân tích và công bố dự báo thị trường lao động theo ngành, nghề trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về lao động - việc làm, an sinh xã hội, cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Các sở, ban, ngành TP có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động nắm bắt diễn biến tình hình lao động, việc làm, chất lượng nhân lực thuộc phạm vi quản lý, kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển hiệu quả, bền vững và hội nhập.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động nắm bắt diễn biến tình hình lao động, việc làm, chất lượng nhân lực trên địa bàn, kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường lao động phát triển hiệu quả, bền vững và hội nhập.
Ngọc MỹNăm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.