Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 1.074 dự án y tế, trường học, di tích

Địa phương
05:42 PM 01/06/2023

Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư với 1.074 dự án thuộc 3 lĩnh vực y tế, cải tạo trường học và tôn tạo di tích; phê duyệt quyết định đầu tư 851 dự án và triển khai xây dựng 554 dự án.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021-2030, ngân sách Thành phố đã bố trí trên 15.156 tỉ đồng (37,4% kế hoạch).

Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư 1.074 dự án y tế, trường học, di tích - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/GH

Trong đó, đã bố trí trên 1.649 tỉ đồng thực hiện 23 dự án cấp thành phố, trên 13.506 tỉ đồng hỗ trợ cấp huyện thực hiện 746 dự án. Ngân sách cấp huyện đã bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án thành phố hỗ trợ vốn là trên 2.137/6.045 tỉ đồng (đạt 35% kế hoạch).

Tính đến ngày 28/5, đã phê duyệt chủ trương đầu tư với 1.074/1.310 dự án thuộc 3 lĩnh vực (nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích), đạt 82%; phê duyệt quyết định đầu tư 851 dự án (đạt 65%); triển khai xây dựng 554 dự án (42,3%). Đã hoàn thành 218 dự án trong giai đoạn 2021-2022; dự kiến năm 2023 có thêm 339 dự án hoàn thành.

Trong từng lĩnh vực, đối với lĩnh vực y tế, chỉ tiêu giường bệnh/1vạn dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII: Năm 2020, số giường bệnh/vạn dân của thành phố đạt 27,1 giường bệnh/vạn dân. Hiện nay, Hà Nội có 22.796 giường bệnh, tỷ lệ 27,5 giường bệnh/vạn dân.

Đối với kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong các ngành, lĩnh vực, trong lĩnh vực giáo dục, tính đến tháng 5/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt 72,4% (1.624/2.248 trường). Trong đó: Mầm non: 71,3%; Tiểu học: 67,7%; Trung học cơ sở: 79,7%; Trung học phổ thông: 36,3%.

Về tồn tại, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quá trình triển khai một số dự án còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, do biến động giá nguyên vật liệu nên một số dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với kế hoạch.

Tỉ lệ bố trí vốn đối ứng của các đơn vị trong năm 2021, 2022 và đầu năm 2023 chưa tương ứng với tỉ lệ thành phố đã hỗ trợ và chưa đáp ứng đủ vốn trách nhiệm của ngân sách cấp huyện để hoàn thành dự án (do thu ngân sách huyện còn khó khăn, nguồn thu từ đất không đạt kế hoạch, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án 100% ngân sách cấp huyện).

Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, còn một số dự án còn vướng mắc về quy hoạch, cụ thể như một số dự án lĩnh vực giáo dục, y tế vướng mắc về quy hoạch (trên địa bàn quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Sóc Sơn, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Xuân, Long Biên) do phải điều chỉnh quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch phân khu được phê duyệt.

Một số di tích chưa được phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25.12.2018 của Chính phủ. Do vậy, một số quận, huyện, thị xã chưa có cơ sở để lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình nhận định, để  triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, các sở, ngành, quận huyện đã vào cuộc rất tích cực, tập trung tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc. Theo tiến độ các sở, ngành và địa phương báo cáo cho thấy, tiến độ các dự án cơ bản đảm bảo theo yêu cầu.

Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ kết quả, đặc biệt là về số liệu, hạn chế, khó khăn vướng mắc để tập trung đưa ra các giải pháp. Trong đó chú trọng ngay vào bước phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu, thi công. Mặt khác, các địa phương phải lưu ý bố trí nguồn vốn đối ứng, đảm bảo kế hoạch được thực hiện đúng tiến độ. Giao các Ban HĐND thành phố tập trung theo dõi, giám sát tiến độ của địa phương; các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung thực hiện, tuyệt đối không để vướng mắc làm chậm tiến độ.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn