Hà Nội phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 2614/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội năm 2023.
Theo đó, việc phê duyệt kế hoạch làm cơ sở để TP. Hà Nội chủ động kiểm soát công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố năm 2023 gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị, tái định cư, phục vụ lợi ích công cộng; xây dựng, phát triển Thủ đô hướng đến đô thị xanh, văn hiến, văn minh, thông minh, hiện đại.
Cụ thể, trong năm 2023, thành phố đặt chỉ tiêu diện tích nhà bình quân đầu người đạt 28,2m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 6,965 triệu mét vuông. Trong đó, dự kiến chỉ tiêu phát triển nhà ở riêng lẻ đạt 4,5 triệu mét vuông; chỉ tiêu phát triển nhà ở theo dự án khoảng 2,465 triệu mét vuông, gồm khoảng 2,339 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại; khoảng 0,032 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,094 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư.
Để hoàn thành chỉ tiêu, thành phố tập trung rà soát, nghiên cứu có cơ chế, chính sách để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án khu đô thị chậm triển khai, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai.
Thành phố cũng đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, quy hoạch chi tiết các khu nhà ở xã hội độc lập và dự án nhà ở công nhân; nghiên cứu sử dụng hiệu quả tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sau khi có hướng dẫn của Bộ Xây dựng; Tiếp tục đôn đốc tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư đang triển khai, nhất là các dự án sử dụng vốn ngân sách để đưa vào sử dụng.
Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận cần khẩn trương hoàn thành tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm cấp D và đề xuất danh mục các nhà chung cư có điều kiện thuận lợi và khả thi cho việc triển khai; tập trung triển khai, hoàn thành công tác kiểm định chung cư cũ, lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhất là các chung cư ưu tiên triển khai đợt 1, các chung cư theo chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội tại Thông báo số 1041-TB/TU ngày 14.2.2023 (Giảng Võ, Khương Thượng, Trung Tự)…; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai;...
Tăng cường kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch, theo giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy hoạch. Trong đó, chú trọng việc tạo điều kiện về thủ tục, các thiết kế mẫu, điển hình, giúp người dân tiếp cận nhanh, giảm chi phí và thời gian…
Trước đó, UBND thành phố dự kiến tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021- 2025 là khoảng 437.000 tỷ đồng. Trong đó vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở tái định cư khoảng 9.500 tỷ đồng.
Dự kiến nguồn vốn ngân sách là khoảng 5.800 tỷ đồng, trong đó khoảng 283 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội; khoảng 4.860 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 5 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư; khoảng 641,3 tỷ đồng để tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu, nhà chung cư cũ; kiểm định và lập đề xuất chủ trương đầu tư phục vụ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Trong năm 2022, TP. Hà Nội đặt chỉ tiêu phát triển khoảng 5,841 triệu m2, gồm 4,5 triệu m2 sàn nhà ở riêng lẻ; 985.000 m2 sàn nhà ở thương mại; 257.000 m2 sàn nhà ở xã hội; 98.000 m2 sàn nhà ở tái định cư. Kết quả thực hiện, TP. Hà Nội đã triển khai đạt và vượt chỉ tiêu đề ra khi hoàn thành 257.267 m2 sàn nhà ở xã hội, 237.760 m2 sàn nhà ở tái định cư, 985.140 m2 sàn nhà ở thương mại.
Ngọc MỹTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.