Hà Nội phê duyệt tuyến đường nối Vành đai 3,5 vào khu công nghiệp Nam Thăng Long
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6681/QĐ-UBND phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường kết nối từ đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long đến đường Vành đai 3,5, tỷ lệ 1/500 tại các phường Thụy Phương, Liên Mạc, Tây Tựu, Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm.
Theo đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 4km. Điểm đầu tại nút giao với đường Vành đai 3.5, điểm cuối tại nút giao với đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long.
Hướng tuyến phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị GS, S1, tỷ lệ 1/5.000.
Tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 40m. Trong đó bao gồm lòng đường (12mx2), dải phân cách giữa (rộng 3m), hè đường (6,5mx2). Đoạn đầu tuyến giao với đường Vành đai 3.5 có dự kiến bố trí cầu và đường dẫn lên cầu vượt Vành đai 3,5.
Vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32 (QL32) có điểm đầu kết nối với đoạn vành đai 3,5 từ QL32 đi Đại lộ Thăng Long.
UBND TP Hà Nội Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ phương án, vị trí tuyến đường phù hợp.
Giao UBND quận Bắc Từ Liêm chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai, bàn giao hồ sơ phương án, vị trí tuyến đã được UBND TP phê duyệt cho UBND các phường: Thụy Phương, Liên Mạc, Tây Tựu, Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm để quản lý quy hoạch xây dựng dọc hai bên tuyến đường; Triển khai cắm mốc giới tuyến đường theo quy hoạch đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (trong quá trình thực dự án đầu tư tuyến đường) để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc giới.
UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND các phường Thụy Phương, Liên Mạc, Tây Tựu, Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm chịu trách nhiệm tổ chức quản lý các mốc giới, việc xây dựng các công trình hai bên tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ và mốc giới được duyệt. Kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Nhật MaiTại Tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” ngày 3/1, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có sức bật mạnh mẽ. Năm 2025, sẽ vượt qua thách thức toàn cầu, triển vọng về một nền kinh tế vững mạnh và bền vững trong tương lai.