Hà Nội: Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở

Chính trị - xã hội
12:16 PM 10/12/2020

Để chủ động đối phó với thiên tai bất thường có thể xảy ra, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai, thực hiện ph­ương châm "Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở" nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hà Nội: Phòng chống thiên tai chủ động

Với tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính với phương châm "4 tại chỗ", trước mùa mưa lũ, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng nhằm đảm bảo ứng phó với thiên tai.

Mặc dù thiên tai diễn ra ở mức độ bình thường, ít có thiệt hại đáng kể xảy ra; tuy nhiên Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội luôn xác định công tác Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của mọi người dân.

Hà Nội: Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở - Ảnh 1.

UBND thành phố Hà Nội luôn xác định công tác PCTT và TKCN là nhiệm vụ trọng tâm

Theo đó, thành phố xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật; quán triệt thực hiện có hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả; nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về công tác PCTT và TKCN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT; rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để đảm bảo hiệu quả hoạt động; cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác PCTT và cộng đồng; sử dụng hiệu quả Quỹ PCTT tại các địa phương trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. 

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, nhất là nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và PCTT các cấp; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo; rà soát đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, khu vực neo đậu thuyền tránh trú bão. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn.

Ngay sau Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn năm 2020, Thành ủy, HĐND, UBND và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố đã chỉ đạo sâu sát, quyết liệt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn... UBND và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã chủ động triển khai các hoạt động giảm nhẹ thiên tai.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai của Hà Nội còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, một số địa phương, đơn vị còn tư tưởng chủ quan: xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, sát thực tế, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ rừng ngang, sạt lở đất. Có địa phương chưa ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng phục vụ nhân dân khi xảy ra tình huống, sự cố, thiên tai. Nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng xâm hại công trình đê điều, thủy lợi nhưng chưa xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết, triệt để...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 02/5/2020 của UBND thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Trong đó, tập trung tuyên truyền phổ biến kiến thức về kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, sự cố; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tích cực tham gia cùng cộng đồng về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Bên cạnh đó, các đơn vị và địa phương kiểm tra, đánh giá lại chất lượng phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả các sự cố thiên tai; thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ"; thực hiện việc tu sửa, sửa chữa, nâng cấp các công trình đã xuống cấp, hư hại; đặc biệt là hệ thống đê kè, hồ đập, các công trình tiêu úng trọng điểm nhằm chủ động đối phó với những tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra.

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCTT của thành phố đề ra là tập trung tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cho nhân dân trong việc thực hiện Luật phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong việc quản lý bảo vệ đê điều và công trình thuỷ lợi trên địa bàn. Các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp quận, huyện, xã, phường cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ công trình thuỷ lợi và đê điều; thường xuyên duy trì các biện pháp quản lý, xử phạt hành chính, tổ chức cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm ngay từ khi mới xuất hiện.

Đồng thời, thành phố cũng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời. Kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về các loại hình thiên tai đến mọi người dân để nâng cao khả năng tự phòng, tránh. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai các cấp.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.