Hà Nội: Quảng bá sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thanh Trì

Địa phương
09:45 AM 26/05/2024

Huyện Thanh Trì vừa phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, làng nghề kết hợp phát động xây dựng Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt huyện Thanh Trì năm 2024.

Tại lễ khai mạc ngày 25/5, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các sự kiện để quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, làng nghề phục vụ du lịch thuộc Kế hoạch Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Triển lãm có 80 gian hàng giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP… Thông qua Triển lãm, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, tìm hiểu, kết nối các hoạt động thiết kế sáng tạo, phát huy những ý tưởng, thiết kế ra những mẫu sản phẩm mới, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng; từ đó có thể phát triển, hình thành điểm đến về thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Hà Nội: Quảng bá sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thanh Trì- Ảnh 1.

Nghi thức khai mạc Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thanh Trì 2024. Ảnh: Lao động Thủ đô

Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thanh Trì 2024 diễn ra đến ngày 28/5/2024 tại Trung tâm Văn Hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì.

Năm 2023, thành phố Hà Nội đã công nhận mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã cho 10 đơn vị trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Hà thuộc huyện Thanh Trì đạt mô hình 3 sao. 

Các mô hình được công nhận tiếp tục được hỗ trợ thông tin, nâng cao năng lực, kết nối sản phẩm OCOP trên địa bàn, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm; hình thành các tour, chương trình du lịch liên kết; lồng ghép quảng bá các trung tâm này với các văn phòng du lịch và đại lý lữ hành trong và ngoài nước.

Tham gia Triển lãm, huyện Thanh Trì giới thiệu các sản phẩm OCOP, làng nghề tiêu biểu của huyện như: Sản phẩm nông sản, thực phẩm công nghệ cao xã Yên Mỹ, sản phẩm đúc đồng xã Đại Áng, sản phẩm bánh chưng Tranh Khúc, nón lá Vĩnh Thịnh xã Đại Áng, rượu Ngâu xã Tam Hiệp…

Hà Nội: Quảng bá sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thanh Trì- Ảnh 2.

Làng nghề truyền thống được giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: VGP

Nhân dịp này, huyện Thanh Trì đã tổ chức phát động xây dựng Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tiện lợi, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, tạo thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ 4.0.

Đồng thời, thành phố Hà Nội đã công bố Quyết định 717 ngày 28/12/2023 của Sở Công Thương và trao giấy chứng nhận mô hình 3 sao đối với Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Duyên Hà.

Đây chính là tiền đề cho việc nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

TP. Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ hầu hết các nghề trong số nghề truyền thống của cả nước. Các sản phẩm làng nghề đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai và một số nước Châu Á, Đông Nam Á…

Riêng huyện Thanh Trì có 8 làng nghề, làng nghề truyền thống gồm: Miến dong, Bánh đa thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa; Bánh chưng, Bánh dày thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà; Dệt Triều Khúc, xã Tân Triều; Nón lá Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng; Mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc; rượu Ngâu xã Tam Hiệp; may Vĩnh Trung xã Đại Áng và sản xuất bánh kẹo thôn Nội Am, xã Liên Ninh.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.