Hà Nội: Quyết tâm "hồi sinh" các con sông nội đô
Hà Nội đặt mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, xử lý triệt để ô nhiễm không khí và nguồn nước, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, hiện đại.
Thành ủy Hà Nội vừa công bố toàn văn dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025 - 2030, để lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ảnh: Khánh Huy
Trong dự thảo có nội dung thành phố ưu tiên tập trung thực hiện việc bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu. Theo đó, thành phố xác định có giải pháp căn cơ để xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí, thoát nước, chống úng ngập, xử lý chất thải.
"Xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035, thực hiện vùng phát thải thấp. Hồi sinh các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... Xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, cầu Bây - Bắc Hưng Hải. Nghiên cứu, xây dựng chương trình (hoặc đề án) chiến lược tổng thể bảo vệ môi trường và phát triển xanh thủ đô, tầm nhìn ít nhất 15 - 20 năm", dự thảo báo cáo nêu rõ.
Xử lý môi trường các con sông nội đô; xử lý rác thải; xử lý nước thải (xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, Sơn Tây, Yên Sở...)... nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh trên địa bàn.
Trước đó, tại Tọa đàm “Giải pháp hồi sinh những dòng sông chết”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thành phố Hà Nội đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm đối với các dòng sông nội đô, kể cả một số hồ chứa trong thành phố cũng bị ảnh hưởng. Sở đang rà soát, đánh giá mức độ ô nhiễm của các sông, ao hồ để tham mưu thành phố Hà Nội triển khai các giải pháp xử lý. Sở cũng tham mưu gắn trách nhiệm, nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp trong việc quản lý, bảo vệ môi trường các dòng sông.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã từng bước triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm sông ngòi, nổi bật như đầu tư xây dựng dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2, xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, các giải pháp thau rửa, nạo vét, thu gom nước thải sinh hoạt dọc sông Tô Lịch… Tuy nhiên, kết quả còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do các giải pháp hiện tại phần lớn mang tính đơn lẻ, thiếu tính liên kết hệ thống và bền vững.
Do đó, Thủ đô Hà Nội cần một chiến lược bài bản, dài hơi, đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững đô thị.
Trong hai tháng tới, thành phố sẽ khởi công trạm bơm tại cụm đầu mối Liên Mạc để trực tiếp bơm nước vào sông Nhuệ với tổng kinh phí giai đoạn một là 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn hai thành phố sẽ kè sông Nhuệ từ Liên Mạc đến cầu Trắng, quận Hà Đông cũ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang nghiên cứu đầu tư trạm bơm tại cống Ba Xuân (Phúc Thọ cũ) để đưa nước sông Hồng vào sông Đáy. Thành phố đã vận hành hai hệ thống xử lý nước thải lớn là Yên Sở và Yên Xá.
Thành phố cũng ưu tiên đầu tư thực hiện vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải do hoạt động của con người gây ra, xây dựng thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Xây dựng các công viên mới với tỷ lệ bê tông hóa ít nhất, phát triển các mô hình xanh, "rừng trong phố".
Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực đề di dời các công trình ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô theo quy hoạch được duyệt để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.
Minh An
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng cuối năm phải đạt 8,42% thì mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay mới đạt được, theo tính toán của Cục Thống kê (Bộ Tài chính).