Hà Nội rà soát đất vàng bỏ hoang: Vì sao khó thu hồi?
Hà Nội đang rà soát các khu đất vàng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên, nhếch nhác đô thị, nhưng không dễ thu hồi, nhất là khi nhiều vấn đề xảy ra do chậm trễ thủ tục hành chính.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị thu hồi và phục hồi điều tra sai phạm tại 3 khu đất vàng gồm lô B9/CC1, B9/CC3 và C3/HH, C3/CC1-1 thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Công ty Cổ phần đầu tư Thùy Dương (TD Group) do chậm triển khai nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất và không có cơ sở pháp lý để cho phép tiếp tục triển khai dự án. Lô đất này đang bị sử dụng sai mục đích như làm sân bóng đá, gara…; một phần bị bỏ hoang, ngập trong rác.
3 dự án thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) của TD Group bị đề nghị thu hồi
Năm 2011, UBND thành phố Hà Nội giao lô đất B9 khu đô thị Nam Trung Yên với tổng diện tích 18.328m2 cho TD Group làm dự án. Sau đó, TD Group liên danh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) lập ra Công ty Cổ phần Handico - Thùy Dương. Tuy nhiên, tháng 8/2015, Handico bất ngờ xin rút khỏi liên danh và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Công an thành phố Hà Nội đã có ý kiến đánh giá về sai phạm của dự án này. UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cần thu hồi toàn bộ các khu đất này để đưa vào quản lý sử dụng; Công an thành phố Hà Nội cần phục hồi điều tra để xác định vi phạm, xử lý các đối tượng.
Gần đó, khu đất dịch vụ ký hiệu C2 thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) cũng bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Khu đất này được Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) thực hiện dự án y tế, nhà văn hóa và chỗ để xe phục vụ dân cư, nhưng lại bị bỏ hoang.
Xung quanh khu đất dự án được tận dụng làm khu chợ tạm khiến khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu trở nên nhếch nhác. Các khu đất vàng ở quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, như 94 Lò Đúc, 22-24 Hàng Bài, 31-33-35 Lý Thường Kiệt… cũng bị bỏ hoang. Tại khu đất 94 Lò Đúc diện tích khoảng 8.000m2 với 3 mặt tiền, giờ đây cỏ mọc cao quá đầu người. Nhiều cây leo trong khu đất phát triển qua hàng rào, phủ kín cột đèn, đường dây điện…
Do doanh nghiệp hay do cơ chế?
Theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, dẫn đến các khu đất vàng bị bỏ hoang. Có thể do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng trong khâu giải phóng mặt bằng… Sở đang thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ. Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện TD Group nói rằng, TD Group đã hoàn tất các thủ tục pháp lý dự án liên quan theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, nhưng sau nhiều năm, dự án vẫn chưa thể thực hiện. Theo đại diện TD Group, UBND thành phố Hà Nội đã chậm trễ xử lý các vấn đề liên quan pháp lý dự án, còn thiếu quyết định điều chỉnh giao đất, chỉ cần UBND thành phố ra quyết định là đủ hồ sơ để xin cấp phép xây dựng.
Tại buổi hội thảo mới đây ở Thanh Hóa, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh Group, nhắc đến khó khăn trong thực hiện dự án đất vàng bỏ hoang tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng.
Ông Dũng nói rằng, năm 2007, Tân Hoàng Minh mua khu đất rộng gần 4.000m2, riêng giải phóng mặt bằng đã mất 4 năm mới hoàn thành, rồi mất thêm 4 năm nữa mới hoàn thành thủ tục tiếp theo là quyết định giao đất. Năm 2015, Tân Hoàng Minh nộp hồ sơ tính tiền sử dụng đất, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa tính xong tiền sử dụng đất, nghĩa là dự án đã mất 14 năm cho việc giải tỏa mặt bằng và hoàn thiện pháp lý.
Trần HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.