Hà Nội: Sẵn sàng lượng lớn hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân mua sắm Tết
Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, triển khai chương trình bình ổn thị trường để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo kế hoạch, tổng trị giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung ứng trong dịp Tết khoảng 40.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị đủ nguồn hàng, sẵn sàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất khẩn trương và đưa đến các hệ thống phân phối.
Để chuẩn bị cho các dịp mua sắm cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, WinCommerce đã làm việc với các nhà cung cấp để thu mua sản lượng lớn từ 2 đến 3 tháng trước đó, tăng sản lượng hàng hóa theo từng ngành hàng so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ: Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20-30% so với tháng kinh doanh bình thường. Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh mứt kẹo, bánh chưng, bánh tét, giò, chả, trái cây... Đơn vị đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20% đến 50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.
Để phục vụ người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Sở Công Thương Hà Nội đã vận động 27 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.000 điểm bán trên toàn thành phố (trong đó trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và hơn 500 bếp ăn tập thể).
Đặc biệt, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, từ tháng 9/2023, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động theo dõi tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, trong đó, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định. Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình trong khoảng 7%-25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023, trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam, đặc sản của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%.
Dự báo nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng từ 10% đến 13% so với năm trước. Vì thế, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh chủ động kết nối, khai thác hàng hóa, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Cùng với đó, tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn. Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Sở cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, lợi dụng nhu cầu tăng cao để nâng giá, trục lợi bất chính.
Ngọc MỹMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.