Hà Nội: Sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Sức khỏe
03:54 PM 01/11/2021

Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn thành phố, trong đó dự kiến nguyên tắc ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch.

Theo đó, Hà Nội sẽ tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ em từ 12-17 tuổi (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học) có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Thời gian triển khai dự kiến trong quý 4 năm 2021 đến hết quý 1 năm 2022 (thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ).

Thành phố tổ chức tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng của Bộ Y tế. Đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu, tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng, tiếp cận công bằng.

Nhiều quận, huyện tại Hà Nội sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Ảnh 1.

Muc tiêu của chiến dịch là trên 95% trẻ em từ 12-17 tuổi sống trên địa bàn Hà Nội được tiêm chủng đủ mũi vaccine COVID-19 theo từng đợt phân bổ của Bộ Y tế.

Về lộ trình triển khai, Hà Nội tiêm chủng theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi), theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của thành phố.

Cũng theo kế hoạch này, khi nguồn vaccine chưa đủ, việc phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã được triển khai theo thứ tự ưu tiên, đó là:

Có ca F0 mới;

Có mật độ dân cư cao;

Có nhiều địa điểm thường tập trung đông người;

Nhiều ngành nghề dịch vụ;

Nhiều trường học;

Giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp;

Cửa ngõ giao thông đi lại;

Có khu cách ly tập trung...

Khi có đủ vaccine, việc triển khai được tiến hành đồng loạt trên toàn thành phố.

Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch, thành phố sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm bảo đảm tối ưu cho công tác phòng, chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch.

Địa điểm triển khai tại cộng đồng hoặc trường học tùy thuộc vào tình hình dịch và thời điểm học sinh quay lại trường học. Theo đó, tổ chức các điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại trạm Y tế xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm chủng lưu động tại trường học.

Đồng thời, huy động các điểm tiêm chủng tại tại bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập, các bệnh viện Bộ, ngành đóng trên địa bàn, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Tăng cường nhân viên có chứng nhận an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm.

Phạm vi triển khai sẽ thực hiện theo đề xuất của ngành Y tế, phụ thuộc vào nguồn vaccine được cấp.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tập huấn cho cán bộ y tế về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19; rà soát, đảm bảo đủ trang thiết bị vận chuyển, bảo quản vaccine, vật tư tiêm chủng. Đồng thời, lập danh sách và thống kê đối tượng tiêm chủng từ 12-17 tuổi (độ tuổi đủ sinh nhật tính theo ngày triển khai tiêm chủng tại trường học và tại cộng đồng).

UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm công tác tổ chức tiêm chủng, rà soát đối tượng và lập danh sách đối tượng cần tiêm chủng trên địa bàn.

Bộ Y tế cho biết, từ đầu tháng 11/2021, chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi sẽ chính thức triển khai trên toàn quốc, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna.

Thông tin thêm về chiến dịch tiêm chủng nói trên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thành phố đã lên danh sách khoảng 700.000 - 850.000 trẻ em thuộc diện cần tiêm chủng trong đợt này (độ tuổi từ 12-17).

Có hai phương án triển khai tiêm. Nếu học sinh đi học đầy đủ, Hà Nội sẽ tiêm cho trẻ tại trường học. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp, thành phố triển khai tiêm tại cộng đồng.

Ông Tuấn nhận định, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ có thể ít thuận lợi hơn so với người lớn do trẻ thường sợ bác sĩ, có “hiệu ứng dây chuyền”, cần người nhà đi cùng chăm sóc dẫn tới tăng số lượng người đến địa điểm tiêm chủng.

Vì vậy, để tiêm chủng hiệu quả, đảm bảo an toàn, cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, phương án tiêm an toàn ngay tại trường học... Trẻ cũng cần được chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm. Phụ huynh nên động viên, trấn an con để tránh các cháu có tâm lý lo sợ. Bên cạnh đó, gia đình cần theo dõi sát phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9 Đường sắt sẽ thông tàu qua cầu Long Biên, cầu Đuống chiều 13/9

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, sáng nay (13/9) đường sắt đã thử tải an toàn qua cầu Long Biên và cầu Đuống. Từ chiều nay các đoàn tàu sẽ chạy trở lại trên 2 cầu Long Biên và cầu Đuống.