Hà Nội: Sẵn sàng triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thông qua

Địa phương
08:41 AM 27/06/2024

Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, với dự kiến hơn 80 nội dung giao TP Hà Nội triển khai, thành phố đã chuẩn bị các nội dung từ nhiều tháng trước. Đến khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, thành phố sẽ triển khai ngay các nội dung thi hành luật.

Chiều 26/6, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Quý II năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo. Buổi họp báo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND thành phố tới điểm cầu UBND 30 quận, huyện, thị xã.

Thông tin về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành dày công nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét. Đến ngày 28/6, Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

Hà Nội: Sẵn sàng triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thông qua- Ảnh 1.

Hà Nội tập trung xây dựng hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Internet

“Đây là dự thảo Luật vô cùng quan trọng, khắc phục toàn bộ các quy định “luật khung, luật ống” trước đây. Dự thảo Luật đến thời điểm này được quy định rất cụ thể, gắn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội đứng trước cơ hội, tiềm năng và lợi thế như bây giờ”, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng nhấn mạnh.

Thành phố đã hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế vượt trội để phát triển Thủ đô; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế.

Về công tác triển khai Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, với dự kiến hơn 80 nội dung giao thành phố Hà Nội triển khai, thành phố đã chuẩn bị các nội dung từ nhiều tháng trước. Đến khi Luật được thông qua, thành phố sẽ triển khai ngay các nội dung thi hành luật.

Trước đó, tại hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khóa XVII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Phó Bí thư Thường trực yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024; kết quả thực hiện 10 chương trình công tác lớn, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, gắn với thực hiện tốt các kế hoạch khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra; quyết liệt thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ còn khó khăn, hạn chế; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ đã đề ra.

Bên cạnh đó, tổ chức việc công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng kế hoạch triển khai ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn để đạt mức tăng trưởng kinh tế đã đề ra, đặc biệt là công tác xây dựng cơ bản, giải ngân chậm.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khẳng định, Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là TP trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và người dân TP Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.