Hà Nội: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm
Nhờ có nhiều giải pháp, biện pháp tích cực giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nên 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố có nhiều tín hiệu tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9%.
Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, những tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng do tình hình biến động chính trị trên thế giới, đặc biệt trong quý II, việc điều chỉnh chính sách thuế quan của Mỹ đã gây ra khó khăn nhất định đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tính riêng tháng 6/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Ước tính quý II/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất, phân phối điện tăng 4,9%; cung cấp nước, xử lý rác, nước thải tăng 8,7%; khai khoáng giảm 7,1%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số IIP tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6%; khai khoáng giảm 5,8%.

Ảnh minh họa: Internet
Trong 6 tháng qua, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 23,7%; sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại tăng 16,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,4%; dệt tăng 11,1%; sản xuất kim loại tăng 9,6%; sản xuất trang phục tăng 9,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%.
Trong khi đó, 3/23 ngành công nghiệp chế biến chế tạo có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,1%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 0,2%.
Cũng theo Chi cục Thống kê Hà Nội, chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng như: Máy móc, thiết bị tăng 24,3%; kim loại tăng 23%; dệt tăng 10,4%; da và các sản phẩm liên quan tăng 9,1%...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: Phương tiện vận tải giảm 18,8%; thuốc, hóa dược giảm 15,7%; giấy và sản phẩm từ giấy giảm 10,6%; sản phẩm từ kim loại giảm 5,5%; in, sao chép bản ghi giảm 4,9%; thiết bị điện giảm 4,1%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm cuối tháng 6/2025 giảm 21,5% so với cuối tháng 6/2024.
Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ là thuốc và dược liệu giảm 65,6%; sản phẩm từ cao su và plastic 60,8%; sản phẩm dệt giảm 36,8%; hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 26,7%; kim loại giảm 26,1%; xe có động cơ giảm 22,2%.
Ngược lại, một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng như: Thực phẩm chế biến tăng 84,5%; da và các sản phẩm liên quan tăng 45,3%; thuốc lá tăng 35%; đồ uống tăng 30%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 28,2%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước đến cuối tháng 6/2025 tăng 0,9% so với cuối tháng trước và tăng 0,3% cùng thời điểm năm 2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực ngoài nhà nước giảm 3,4%; khu vực Nhà nước giảm 1,3%; doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%.
Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tương đương cùng kỳ năm 2024; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%; ngành khai khoáng giảm 31,5%.
Bức tranh sản xuất công nghiệp Thủ đô 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy những tín hiệu phục hồi rõ nét, đặc biệt là ở khu vực chế biến, chế tạo. Trong bối cảnh nhiều thách thức từ bên ngoài, kết quả này phản ánh rõ hiệu quả của sự điều hành linh hoạt từ chính quyền thành phố và nỗ lực thích ứng, đổi mới không ngừng từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nếu tiếp tục phát huy đà phục hồi hiện có, đồng thời tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ và nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, công nghiệp Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để duy trì đà tăng trưởng vững vàng trong những tháng cuối năm, góp phần củng cố vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.
Huyền My
6 tháng đầu năm 2025, ngành hàng rau quả gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2024.