Hà Nội: Sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn

Kinh doanh
11:15 AM 12/02/2023

Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5 - 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành nông nghiệp Thủ đô.

Hà Nội tích cực hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, kinh tế xanh 

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hà Nội, TP. Hà Nội đã có 5.000ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15 - 20% so phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.

Hà Nội: Sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn - Ảnh 1.

Hà Nội hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh bền vững. Ảnh: TTTĐ

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố đã hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình về thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Đến nay, các mô hình nông nghiệp xanh, hữu cơ của Hà Nội phát triển tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa.. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh bảo đảm yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô mà một số sản phẩm còn xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao.

Nông nghiệp xanh trên thực tế đã tồn tại gần 20 năm qua tại địa phương với hàng nghìn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác: Vườn - ao - chuồng (VAC), xen canh, gối vụ. Trong đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Một số năm gần đây, hệ canh tác lúa - cá, lúa - vịt… ngày càng phát triển theo hướng bền vững.

Các hệ canh tác tuần hoàn này vừa bảo đảm dinh dưỡng, vừa thích ứng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, từ phân bón đến thức ăn chăn nuôi, những mô hình đa canh lúa - cá - vịt... đang chiếm ưu thế, giúp nông dân bám trụ được với nghề nông.

Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thời gian tới, TP. Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. 

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5 - 2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung, thu hút doanh nghiệp 

Những năm tới thành phố sẽ hình thành chuỗi giá trị nông sản bằng cách xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác.

Cùng với đó, thành phố cũng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế.

Hà Nội: Sản xuất nông nghiệp xanh sẽ trở thành mũi nhọn - Ảnh 2.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TTTĐ

Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để tạo đột phá trong thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng kinh doanh, xúc tiến thương mại, quy hoạch lại các khu công nghiệp... nhằm tiếp tục phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Hà Nội cũng tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị... Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước…

Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại, không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép. 

Về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước.

Với những nỗ lực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng bà con nhân dân, hi vọng rằng, giai đoạn tới ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ phát triển nhanh, mạnh và bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.