Hà Nội sắp có thêm khu công nghiệp gần 3.000 tỷ đồng
Khu công nghiệp nằm tại các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi và Dũng Tiến của huyện Thường Tín, TP Hà Nội có quy mô sử dụng đất cả dự án gần 175 ha, tổng vốn đầu tư 2.938 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 445/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phụng Hiệp, TP Hà Nội.
Theo Quyết định, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phụng Hiệp có tổng vốn đầu tư 2.938 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất của dự án là 174,88 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi và Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Quyết định trên cũng chấp thuận Công ty TNHH Hòa Phú Invest là nhà đầu tư dự án. Doanh nghiệp này được thành lập tháng 11/2016, trụ sở chính tại huyện Hòa Hiệp, tỉnh Bắc Giang. Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật là ông Chu Đức Lượng (1969). Thời điểm thành lập, Hòa Phú Invest có vốn điều lệ 37 tỷ đồng, 100% vốn góp từ Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (Phú Mỹ Group).
Phú Mỹ Group tiền thân là Công ty TNHH Phát triển công nghiệp và hạ tầng, được thành lập năm 2001 bởi ông Chu Đức Lượng. Doanh nghiệp này có thế mạnh phát triển khu công nghiệp và hạ tầng giao thông, tập trung ở Hà Nội và các tỉnh vùng ven như Bắc Giang, Hòa Bình. Phú Mỹ Group được biết đến là chủ đầu tư dự án BOT cầu Văn Lang (Việt Trì - Ba Vì).
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao UBND TP Hà Nội kiểm tra, giám sát, đảm bảo dự án triển khai phù hợp với vị trí quy hoạch phát triển khu công nghiệp Phụng Hiệp đã được phê duyệt.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án không có công trình di sản văn hóa vật thể hoặc ảnh hưởng đến sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.
TP Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Trong đó, 9 dự án đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy 100%. Một dự án đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Huyền My (t/h)Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.