Hà Nội sẽ chi ngân sách để kiểm định chất lượng chung cư cũ
Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai việc kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô ngay trong năm 2021.
Xác định việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong thời gian tới nhằm tiến tới mục tiêu tái thiết đô thị và phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn cũng như nâng cao điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho người dân, Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 212-TB/TU về “Kết luận của Thường trực Thành ủy về các nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy trong quý II/2021 và 9 tháng cuối năm 2021”.
Theo đó, Thành ủy Thành phố đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai việc kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô ngay trong năm 2021.
Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP phối hợp Đảng đoàn HĐND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của TP trong công tác quản lý các chung cư cũ, vì sự an toàn của nhân dân.
Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để sớm thực hiện cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn TP.
Trong đó lưu ý cần rà soát, tính toán về phương án sử dụng đất và dân số phù hợp với từng khu vực và toàn TP, vừa bảo đảm tuân thủ các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, vừa đáp ứng tình hình thực tiễn của TP nói chung và từng khu vực nói riêng.
Bên cạnh việc đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Ban Cán sự Đảng UBND TP có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu TP báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho TP Hà Nội.
Theo báo cáo của Viện kinh tế - xã hội Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, có quy mô từ 2 tầng-5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử. Phân loại theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, các chung cư cũ được chia thành 2 loại: Chung cư tập trung theo khu (75 khu với 1.273 chung cư) và chung cư riêng lẻ (306 chung cư). Các chung cư này chủ yếu tập trung tại các quận nội thành cũ là Ba Đình (214 nhà), Đống Đa (415 nhà), Hai Bà Trưng (244 nhà), Hoàn Kiếm (99 nhà). Ngoài ra, còn một số khu tại quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy…trong đó, nhà chung cư 4-5 tầng (nhà tập thể cũ) khoảng hơn 800 nhà.
Qua rà soát, phân loại, hiện có 200 nhà nguy hiểm cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D. Từ năm 2007 đến nay, thành phố đã có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng; 13 dự án triển khai theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP. Sau thời gian sử dụng, các hộ dân ở các chung cư cũ đã tiến hành lấn chiếm, cơi nới không gian chung; mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần.
Từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó, có 2 nhà nguy hiểm cấp D), 14 dự án đang triển khai. Các dự án đã hoàn thành thực hiện theo 3 mô hình: Mô hình sử dụng nguồn vốn ngân sách; mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ thành phố và mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Hoài Thương (Tổng hợp)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.