Hà Nội sẽ có chính sách riêng để công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết trong hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND TP với công nhân lao động Thủ đô năm 2023 tổ chức chiều 18/5 tại Khu Công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn.
Hội nghị do UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố phối hợp tổ chức nhằm thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023; đồng thời cũng là hoạt động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Tham dự hội nghị có gần 1.000 công nhân lao động (CNLĐ).
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng cho biết, Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp với số công nhân lao động đông đảo. Cụ thể, Hà Nội có trên 250.000 doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động. LĐLĐ Thành phố cũng đang trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với gần 9.700 công đoàn cơ sở, gần 653.808 đoàn viên công đoàn. Trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 6.268 công đoàn cơ sở, trên 458.000 đoàn viên công đoàn.
Năm 2022, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp những khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, người lao động và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 đã có nhiều khởi sắc.
Về tiền lương, năm 2022, tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.
Người lao động, với mức thu nhập như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... và còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các Khu công nghiệp và chế xuất.
Đối thoại với công nhân lao động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận những góp ý, kiến nghị rất xác đáng của công nhân lao động. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định sự đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân lao động trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Đặc biệt, trong những năm gần đây thành phố đối diện với nhiều khó khăn thách thức.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cơ bản đồng tình và đánh giá cao những giải đáp của các sở, ngành đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền. "UBND TP sẽ có chỉ đạo và giao các đơn vị xử lý kịp thời; những vấn đề không thuộc thẩm quyền, UBND TP sẽ báo cáo Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng".
Làm rõ một số vấn đề công nhân lao động quan tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Sỹ Thanh nêu quan điểm phát triển của thành phố Hà Nội trong thời gian tới, theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Thành phố sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.
"Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh", Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Về vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động.
"Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể", ông Thanh nói.
Đối với chính sách tiền lương, chế độ, Chủ tịch UBND TP cho biết hiện nay chúng ta đã có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất có thể quyền lợi của người lao động, đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước.
Về những vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, tư pháp… ông Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc anh chị em công nhân không phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công; tháng 7 này, UBND TP sẽ trình HĐND xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố với điều kiện làm trực tuyến. Để công nhân lao động dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.
Đối với những kiến nghị về khám chữa bệnh, Chủ tịch UBND TP khẳng định sẽ cùng các sở ngành tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức để công nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại bệnh viện công vào những ngày thuận lợi cho công nhân.
Về vấn đề giáo dục cho con em công nhân lao động, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, cần có lộ trình, phương pháp tiếp cận để công bằng và hài hòa. UBND TP sớm hoàn thành đề án nghiên cứu định mức đơn giá tối thiểu trong giáo dục và y tế, trước mắt là giáo dục… đảm bảo quyền lợi hài hòa cho các em học sinh, con em công nhân lao động…
Huyền MyVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.