Hà Nội sẽ đệ trình Hồ sơ khôi phục Chính điện Kính Thiên trước ngày 1/2/2026
Sau khi được UNESCO chấp thuận phục dựng Điện Kính Thiên (thuộc Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long), Hà Nội đặt mục tiêu tập trung để hoàn thiện và đệ trình Hồ sơ khôi phục Chính điện Kính Thiên và không gian chính Điện Kính Thiên đến Trung tâm Di sản Thế giới trong đầu năm 2026.
Ngày 22/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã làm việc với đoàn công tác liên ngành Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) do ông George O. Abungu, Giám đốc Công ty tư vấn di sản Okello Abungu, Giáo sư Đại học Mauritius dẫn đầu.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội đã tích cực chuẩn bị điều kiện khảo sát, sắp xếp các hạ tầng hỗ trợ cần thiết phục vụ công tác nghiên cứu, chỉnh trang trục trung tâm Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Trong quá trình triển khai, thành phố luôn tuân thủ các nguyên tắc về bảo tồn di sản và nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan thuộc UNESCO, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam…

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà đã tiếp đoàn công tác liên ngành Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS). Ảnh: VGP
Đối với Dự án khôi phục không gian Chính điện và Chính điện Kính Thiên, sau khi Ủy ban Di sản thế giới năm 2024 thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, nhất trí đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã tích cực triển khai công tác liên quan bao gồm điều chỉnh quy hoạch khu di tích, chuẩn bị công tác khảo cổ, số hóa các công trình.
Theo lộ trình, Hà Nội sẽ tập trung để hoàn thiện và đệ trình Hồ sơ khôi phục Chính điện Kính Thiên và không gian chính Điện Kính Thiên đến Trung tâm Di sản Thế giới, dự kiến trước ngày 1/2/2026.
Báo cáo bao gồm đề xuất phục dựng Điện Kính Thiên - công trình mang tính biểu tượng cao nhất trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, không gian tiêu biểu để nhân dân cả nước có thể thực hành các nghi lễ truyền thống, tái hiện lịch sử dân tộc, đồng thời, khơi dậy và lan tỏa sức mạnh hội tụ của nền văn hiến đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Bà Vũ Thu Hà khẳng định, việc bảo tồn, phát huy và làm nổi bật giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô Hà Nội. "Hà Nội cam kết và quyết tâm thực hiện những nội dung, lộ trình đã đề ra, theo mục tiêu đã được thông qua".
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và lắng nghe ý kiến đánh giá chuyên môn từ các chuyên gia Đoàn công tác liên ngành, đặc biệt trong việc tư vấn chiến lược phục dựng chính điện và không gian chính Điện Kính Thiên, bảo đảm phù hợp với giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.
Ông George O. Abungu, Chuyên gia khảo cổ học, Giám đốc Công ty tư vấn di sản Okello Abungu, Giáo sư Đại học Mauritius bày tỏ ấn tượng về các Dự án khôi phục Hoàng thành Thăng Long, cho thấy Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ đầu tư về kỹ thuật, tài chính, mà còn rất quan tâm yếu tố chuyên môn, con người.
Theo ông George O. Abungu, việc Di sản Hoàng thành Thăng Long có nhiều tầng văn hóa vùi lấp ở cùng một khu vực là thách thức lớn, nhưng cũng góp phần gia tăng hiểu biết đối với công tác nghiên cứu, khôi phục trên toàn cầu, thậm chí thay đổi tư duy, nhận thức về các di sản.
Thay mặt ICOMOS và Trung tâm di sản thế giới, GS George O. Abungu nhấn mạnh cam kết đồng hành với Hà Nội trong dự án này cũng như những nỗ lực khôi phục, bảo tồn các di sản trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.
Việt Nam hiện có 9 Di sản thế giới được UNESCO công nhận, bên cạnh hàng nghìn di sản văn hóa và thiên nhiên cấp quốc gia. Đó là: Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Quần thể danh thắng Tràng An, Thành nhà Hồ, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.