Hà Nội sẽ khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 5 trong năm 2025

Địa phương
11:05 AM 18/07/2025

Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, sẵn sàng khởi công tuyến metro số 2 và tuyến metro số 5, tổng vốn đầu tư khoảng 97.500 tỷ đồng lần lượt vào dịp 10/10 và 19/12.

Ngày 17/7, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 10999/VP-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn về việc khẩn trương, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị khởi công năm 2025.

Theo đó, UBND Thành phố nhận được Báo cáo số 39/BC-ĐSĐT-KHTH ngày 11/7/2025 của Ban Quản lý đường sắt đô thị về việc kiểm điểm tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị khởi công năm 2025.

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn yêu cầu các sở, ngành thành phố, UBND các xã, phường, đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Thông báo số 414/TB-VP ngày 8/7/2025 của Văn phòng UBND Thành phố, đảm bảo tiến độ khởi công các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị khởi công năm 2025: Tuyến số 2, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào ngày 10/10/2025 và Tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc vào ngày 19/12/2025. Kịp thời tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có).

Hà Nội sẽ khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2 và số 5 trong năm 2025- Ảnh 1.

Phối cảnh một đoạn của tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc (Ảnh: HN).

Yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị tập trung, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố, UBND các xã, phường, đơn vị liên quan, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Thông báo số 414/TB VP ngày 8/7/2025 của Văn phòng UBND Thành phố, triển khai các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị khởi công năm 2025 đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, với 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao. Tuyến metro này có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án gần 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt lần đầu năm 2008.

Điểm đầu của dự án là Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài; điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.

Trong chiều 17/7, Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (Ban Quản lý) phối hợp với UBND xã Quốc Oai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án tuyến, vị trí, công trình theo Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).

Theo Ban quản lý, tuyến đường sắt đô thị số 5 là một trong 12 tuyến đường sắt đô thị của thành phố có tổng mức đầu tư khoảng hơn 61.900 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại nút Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, Ngọc Khánh; điểm cuối tại khu vực xã Yên Bài (Hà Nội).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 41,9km, gồm 21 ga, 2 khu depot. Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa phận xã Quốc Oai có tổng chiều dài 2,84km với 2 ga. Diện tích đất sử dụng khoảng 7,03ha (gồm đất giao thông, thủy lợi). Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ hoàn thành, vận hành vào năm 2030.

Ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai cho biết, sau khi tuyến đường sắt đô thị số 5 vận hành sẽ giúp giảm tải áp lực giao thông trên các tuyến đường bộ hiệng hữu, đặc biệt là đại lộ Thăng Long; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai cam kết, thời gian tới các phòng, ban, ngành của xã sẽ phối hợp với Ban Quản lý đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Hà Nội có 2 tuyến metro đang hoạt động gồm tuyến số 2A, ga Cát Linh - Hà Đông và metro đoạn Nhổn - ga Cầu Giấy.

Theo Quyết định số 1569 ngày 12/12/2024 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm 14 tuyến metro.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Xây dựng 5 nhóm chính sách đặc thù, đột phá để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Hà Nội: Xây dựng 5 nhóm chính sách đặc thù, đột phá để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo

Hà Nội đang gấp rút xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là bước cụ thể hóa các định hướng quan trọng từ Luật Thủ đô (sửa đổi năm 2024), Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo mới được Quốc hội thông qua.