Hà Nội sẽ thu hút đầu tư một cách chọn lọc
Theo ông Trương Việt Dũng- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội, Hà Nội kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước thể hiện sự tiên phong trong phát triển kinh tế nhưng sẽ thu hút đầu tư một cách chọn lọc.
Nhiều biên bản, ghi nhớ hợp tác đã được trao cho nhà đầu tư tại các hội nghị "Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển"
Ông Trương Việt Dũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã 3 lần liên tiếp tổ chức hội nghị “Hà Nội- hợp tác đầu tư và phát triển”. Tổng số dự án thu hút đầu tư vào Hà Nội là 148 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 514.208 tỷ đồng.
“Các dự án đã được thành phố trao quyết định chủ trương đầu tư đang được triển khai. Đến nay chưa có dự án nào phải dừng hoặc chấm dứt”- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT nói.
Tại hội nghị “Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra vào ngày 27-6 tới đây, TP Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) và số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD). Các dự án sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.
UBND TP Hà Nội cũng công bố tại hội nghị danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư cụ thể: 151 dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội;
9 dự án môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; 5 dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân- Nội Bài).
Theo ông Trương Việt Dũng, hội nghị này diễn ra sau khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam, thể hiện thông điệp mạnh mẽ là “Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn với các nhà đầu tư”.
Việc các nhà đầu tư, các đại sứ, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước thực hiện các thủ tục phòng dịch theo quy định trước khi tham dự hội nghị cũng cho thấy Hà Nội là một điểm đến quan trọng với các nhà đầu tư.
Đồng thời, hội nghị cho thấy Hà Nội đang tiên phong trong quá trình hồi phục và phát triển kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ giao.
Những năm gần đây, TP Hà Nội đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2015, Hà Nội đứng thứ 9 cả nước về chỉ số cải cách thủ tục hành chính nhưng 3 năm gần đây, TP đều đứng ở vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tương tự, về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nếu như năm 2012, Hà Nội xếp ở vị trí 52/63 tỉnh, thành phố thì đến nay, Hà Nội đứng vững ở vị trí thứ 9/63. Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, TP có một số chỉ tiêu đạt cao như: chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số năng động- tiên phong, chỉ số cải cách hành chính... Đây chính là môi trường kinh doanh hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị “Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển” sẽ diễn ra vào ngày 27-6 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, số 1 Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hà LinhĐó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.