Hà Nội sẽ xây dựng 2 cảng cạn ICD tại Gia Lâm, Hoài Đức trong năm 2022
Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm phát triển hoạt động logistics nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, kế hoạch sẽ phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại – dịch vụ văn minh, hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực.
Đồng thời, đây sẽ là động lục giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới sáng tạo, cung ứng chuối dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Theo kế hoạch, TP Hà Nội sẽ cụ thể hóa quy hoạch các trung tâm logistics và cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ logistics trên địa bàn. Trong năm 2022, TP Hà Nội phấn đấu khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Cùng với đó, xác định vị trí, ranh giới, diện tích cụ thể 2 trung tâm logistics tại huyện Phú Xuyên và huyện Sóc Sơn.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chấp thuận chủ trương đầu tư 1 cảng container quốc tế tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch.
Về kinh phí thực hiện, kế hoạch sẽ bao gồm hai nguồn kinh phí bao gồm nguồn ngân sách và nguồn kinh phí từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Trong phát triển hạ tầng, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics như cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận…Cùng với đó, phát triển các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng. Rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của thành phố.
Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa; xử lý nghiêm minh và kịp thời các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc, thành phố sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn và trong cả nước, với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các doanh nghiệp trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại thành phố.
Đồng thời, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo thuận lợi cho sự giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của thành phố với các tỉnh, thành phố khác.
Giang AnhBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.