Hà Nội siết chặt quản lý condotel, officetel
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4088 về quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Theo đó, các Sở, ngành, UBND cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm kiểm soát cấp phép mới, chuyển đổi công năng, rà soát quy hoạch... đối với các dự án condotel, offcicetel và biệt thự du lịch trên địa bàn.
UBND thành phố giao các sở ngành, UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về vấn đề này; chủ động rà soát theo các lĩnh vực quản lý, nhiệm vụ được giao, kịp thời tham mưu, đề xuất các nội dung về quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị, sử dụng đất đai, báo cáo UBND thành phố...
Liên quan đến việc quản lý loại hình condotel, officetel, biệt thự du lịch, gần đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo về những bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến các loại hình bất động sản "con lai" này.
Tại văn bản, Bộ Công an cho rằng rằng hoạt động đầu tư, kinh doanh, chuyển nhượng loại hình condotel, officetel, biệt thự du lịch còn nhiều bất cập, tiềm ẩn rủi ro cho cả người mua lẫn tình hình an ninh, trật tự. Qua đó, Bộ đề xuất trước mắt không phát triển thêm dự án condotel, biệt thự du lịch, không hợp thức các dự án officetel, biệt thự du lịch, officetel thành nhà ở.
Các ví dụ mà Bộ Công an dẫn ra gồm việc CTCP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) chấm dứt chi trả thu nhập cam kết cho nhà đầu tư tại dự án Cocobay Đà Nẵng; dự án Our City tại Hải Phòng có hàng trăm người Trung Quốc nhập cảnh qua đường du lịch, thuê căn hộ tại dự án này để tổ chức đánh bạc với quy mô rất lớn; dự án tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Oceanus Mường Thanh Viễn Triều, TP Nha Trang với 5 toà nhà 45 tầng, quy mô 1000 căn hộ, trong đó có khoảng 50% căn hộ dùng để ở và 50% căn hộ cho thuê.
Ngoài ra còn những vi phạm về thu nhập cam kết hay quy trình vận hành, quản lý rất lôm côm. Nhiều đơn vị làm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay chỉ quan tâm đến việc bán được sản phẩm mà không nghĩ đến việc vận hành dự án đó theo đúng mô hình condotel hay căn hộ dịch vụ. Có những condotel đang vận hành nhưng không có cả nhà hàng ăn sáng để phục vụ khách.
Những ví dụ về bất cập của condotel mà Bộ Công an đặt ra trong văn bản gửi Thủ tướng có thể xem là khá điển hình cho tình trạng đang diễn ra trên thị trường căn hộ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian qua.
Vào Việt Nam từ năm 2014, sau đó phát triển rầm rộ vào các năm 2017, 2018, condotel bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng vào 2019, 2020. Cho đến nay, cả nước có khoảng 83.000 căn hộ condotel, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, TP HCM, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Trong khoảng thời gian condotel bùng nổ, nhiều người từng cảnh báo về việc phát triển quá nóng của loại hình này. Cho đến cuối năm 2019, khi dự án đầu tiên vỡ trận, câu chuyện về rủi ro của condotel mới được bàn luận một cách sôi nổi, trở thành đề tài của nhiều cuộc họp, thảo luận, hội thảo...Cho đến nay, condotel vẫn tiếp tục lộ rõ những bất cập của mình khi vấn đề pháp lý cho "đứa con lai" này vẫn chưa được khơi thông hoàn toàn.
Thủy PhạmVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.