Hà Nội: Tái cơ cấu các ngành kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Sự kiện
06:47 AM 13/05/2020

Để đạt mục tiêu mức tăng GRDP của TP Hà Nội bằng khoảng 1,3 lần so với bình quân chung cả nước, TP sễ đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu các ngành kinh tế, khuyến khích các cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

    Ngày 11/5, UBND TP Hà Nội ra thông cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và quý II năm 2020.

     UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 4/2020. 

    Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tối đa

    Đại dịch Covid-19 kéo dài đã gây biến động lớn tới tình hình kinh tế thế giới gây suy thoái, rơi sâu vào khủng hoảng; tác động tiêu cực tới kết quả phát triển KT-XH và hoạt động chỉ đạo, điều hành của Thành phố. Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng tháng 4 giảm so với tháng 3 và giảm so cùng kỳ năm 2019; thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, chi tiêu thường xuyên đạt thấp so cùng kỳ; xuất nhập khẩu giảm mạnh.

    Tuy bị ảnh hưởng, song một số chỉ tiêu kinh tế, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Thành phố có nhiều khởi sắc, đạt được một số kết quả quan trọng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đạt 981,5 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước đạt 8,45 nghìn tỷ đồng; có 7.780 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 116,86 nghìn tỷ đồng, giảm 12% về số lượng nhưng tăng 37% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

    Ban chỉ đạo Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 đã chủ trì từ Phiên họp thứ 27 đến Phiên họp thứ 42 để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố. Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành 02 Chỉ thị về việc tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố do tác động của dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

    Đặc biệt, Thành phố tập trung xử lý giai đoạn 2 công trình sai phạm tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được duy trì, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng.

    Nhấn mạnh các yêu cầu cấp bách cần thực hiện ngay trong tháng 5 và các tháng tiếp theo, UBND Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, tổng công ty, công ty, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trực thuộc Thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chiến lược phòng dịch Covid-19 đã đề ra, kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, không để phát sinh ca mắc mới, lây nhiễm trong cộng đồng hoặc tái nhiễm trên địa bàn.

    Quan tâm chăm lo an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội của Thành phố. Thực hiện theo đúng nguyên tắc “1 người được hưởng 1 chính sách”, đảm bảo không để xảy ra sai sót, sai đối tượng, bị trùng lặp, tham nhũng, tiêu cực…

    Ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu các ngành

    Đặc biệt, các đơn vị triển khai quyết liệt các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu mức tăng GRDP của Thành phố bằng khoảng 1,3 lần so với bình quân chung cả nước.

     Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. 

    Cụ thể, TP đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu các ngành kinh tế, khuyến khích các cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tăng cường nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố.

    Về các nhiệm vụ thắt chặt chi tiêu, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tiếp tục kiểm tra, rà soát, thực hiện cắt giảm ngay các khoản chi thường xuyên ngoài kế hoạch như: từ nay đến tháng 6/2020, cắt giảm các khoản chi cho các đoàn công tác nước ngoài, hoạt động văn hóa - lễ hội, xúc tiến đầu tư ,... để dành thời gian triển khai các chương trình, kế hoạch trọng tâm.

    Về quản lý mua sắm, giao Sở Y tế nghiên cứu đề xuất xây dựng các quy định về mua bán thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc khám chữa bệnh theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tham nhũng, tiêu cực, báo cáo UBND Thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    TP sẽ tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công của Thành phố và cơ sở. Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Trưởng các ban quản lý dự án, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ dự án, công tác bồi thường, GPMB; thường xuyên trao đổi, động viên các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng ca, tăng lao động, sớm hoàn thành, giải ngân dự án theo kế hoạch.

    Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở, các khu đô thị mới, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư theo cơ chế đặt hàng; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các loại hàng hóa như thiết bị y tế, sản phẩm gỗ, gốm, sứ sang thị trưởng các nước nếu có điều kiện, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố năm 2020. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của Thành phố, các hoạt động bán hàng dưới nhiều hình thức để kích cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vận chuyển, lưu thông hàng hóa 24/24/7.

     Hà Nội hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.

    Về các hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh thu hút đầu tư, dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020, Thành phố sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi, giới thiệu các dự án đầu tư của Thành phố đối với doanh nghiệp trong, ngoài nước; giao Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, báo cáo UBND Thành phố. Giao Sở Du lịch đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án du lịch thông minh; tham mưu tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch, mời đại diện các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, vận tải, cơ sở lưu trú trên địa bàn cùng dự để bàn các giải pháp kích cầu du lịch, thu hút các nguồn lực phát triển du lịch Thành phố.

    Bên cạnh đó, các đơn vị của Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Hạn chế tối đa tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chuyển giao văn bản lòng vòng giữa các đơn vị. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên trong thi hành công vụ cũng như chất lượng, tiến độ giải quyết các hồ sơ hành chính đảm bảo chặt chẽ, kịp thời cho các tổ chức, doanh nghiệp, tuyệt đối không được để tình trạng “ngâm” hồ sơ của doanh nghiệp không giải quyết.

     Theo KTĐT

    Ý kiến của bạn
    Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống Đẩy mạnh chuyển đổi số cho các mô hình kinh doanh truyền thống

    Công cuộc số hóa chợ hay tiệm tạp hóa truyền thống không chỉ đơn thuần gói gọn trong việc quét mã QR để thanh toán. Đây là một "cuộc chơi lớn" với 1,4 triệu tạp hoá đang chờ “lên đời công nghệ".