Hà Nội: Tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình sinh thái hiện đại và bền vững

Địa phương
03:41 PM 23/07/2025

Hà Nội đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp đô thị, phát triển trang trại công nghệ cao và mô hình nông nghiệp sinh thái, hướng tới kiến tạo ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại.

Tại Hà Nội, tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên gắn với bảo tồn sinh thái. Các mô hình như vậy nhận được sự hưởng ứng, tham gia của ngày càng nhiều hộ dân trong mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường liên kết hình thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Với định hướng đó, nông nghiệp đang tạo ra những hành lang xanh cho Thủ đô.

Hà Nội: Tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình sinh thái hiện đại và bền vững- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ rau hữu cơ, hoa công nghệ cao đến thủy sản tuần hoàn..., thành phố đang từng bước kiến tạo nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 chính là "chìa khóa" để Hà Nội mở ra không gian xanh cho phát triển.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, những năm qua, tái cơ cấu nông nghiệp tại Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. 

Trồng trọt chuyển mình theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, với diện tích rau hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt hơn 523ha. Năng suất trung bình 50 tấn/ha/năm, cao hơn 15-20% so với phương thức sản xuất thông thường. Đặc biệt, Hà Nội phát triển 908ha rau ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhà màng, tưới nhỏ giọt tiết kiệm, giúp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.  Các mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, phát huy hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng); HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty CP Giống gia súc Hà Nội...

Chăn nuôi bắt đầu theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải, cùng hệ thống chuồng nuôi khép kín, dây chuyền thức ăn tự động, kết hợp biện pháp sinh học trong xử lý môi trường, từng bước bảo vệ vùng chăn nuôi khỏi rủi ro dịch bệnh và khí thải nhà kính. Với 95% trang trại lợn quy mô lớn sử dụng hầm biogas, 65% cơ sở chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải… các mô hình này của Hà Nội không chỉ đáp ứng tiêu chí kỹ thuật mà còn phù hợp với vùng ven đô đô thị hóa nhanh.

Đặc biệt, Hà Nội đang định hình mô hình nông nghiệp đô thị, phát triển trang trại công nghệ cao và mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm vùng ven đô. Đây là một phần của chiến lược chuyển đổi “đất nông nghiệp vùng đô thị hóa” thành không gian nông nghiệp sinh thái thông minh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đô thị, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Giai đoạn 2030 - 2045, TP đặt mục tiêu trở thành đô thị xanh toàn diện, với nông nghiệp sinh thái đóng vai trò xương sống cho hệ sinh thái đô thị, kết nối đất đai, con người và thiên nhiên một cách bền vững.

Theo đó, trên cơ sở Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024; Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp tình hình thực tế. Theo đó, TP tái thiết lập hệ thống không gian sinh thái với nông nghiệp giữ vai trò hạ tầng xanh, vừa là vành đai thực phẩm, vừa là vùng đệm sinh thái.

Minh An
Ý kiến của bạn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa

Ngày 22/7, khi bão số 3 (bão Wipha) bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thủy lợi Cửa Đạt.