Hà Nội: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm

Địa phương
04:16 PM 15/07/2025

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 186/KH-UBND về Phòng, chống dịch bệnh đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025), Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025) và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố cơ bản được kiểm soát, không ghi nhận dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, các dịch bệnh lưu hành có số mắc gia tăng như Sởi, Tay chân miệng, COVID-19 được kiểm soát kịp thời, công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh thường xuyên và chiến dịch được duy trì thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thực hiện Kế hoạch số 401/KH-UBND ngày 31/12/2024 của UBND Thành phố về phòng chống dịch thành phố Hà Nội năm 2025, Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 06/6/2025 của UBND Thành phố về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2025) trên địa bàn thành phố Hà Nội; UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch Phòng chống dịch bệnh đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025), Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2025) và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm- Ảnh 1.

Hà Nội chủ động kiểm soát, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Ảnh: VGP

Kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu là giảm tối đa tỷ lệ mắc và số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, không bị động, bất ngờ theo phương châm “phòng, chống từ sớm, từ xa”, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Đồng thời, đảm bảo an toàn dịch bệnh phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2025) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu 100% UBND các phường, xã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo đặc điểm địa giới hành chính mới; bố trí sẵn sàng lực lượng tại chỗ, lực lượng tăng cường theo các cấp độ dịch tại địa phương. 

Đồng thời, kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người; xây dựng đề án chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý; bố trí đầy đủ kinh phí và nguồn lực cần thiết cho việc triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động theo đề án. 

Đặc biệt, phải có kế hoạch bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau cho các hoạt động, sự kiện kỷ niệm 80 Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025), Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025).

Tất cả UBND các phường, xã phải thực hiện rà soát, kiện toàn lại các lực lượng như: cộng tác viên y tế - dân số, đội xung kích diệt bọ gậy, đội công nhân phun hóa chất... trên cơ sở lực lượng tại các phường, xã cũ trước sắp xếp nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, 100% các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm qua hệ thống báo cáo trực tuyến theo Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế; 100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai thực hiện hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh, các lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch từ thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng chống dịch bệnh.

100% các phường, xã; các trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng chống dịch bệnh hàng tuần.

Kế hoạch của UBND thành phố cũng đặt mục tiêu bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô phường, xã; tiêm chủng các loại vắc xin khác đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng; duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

100% trẻ được rà soát tiền sử tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng khi nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố, khuyến cáo phụ huynh cho trẻ đi tiêm chủng bổ sung đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, UBND thành phố đặt mục tiêu tiếp tục kiểm soát hiệu quả tình hình dịch COVID-19, hạn chế tối đa số trường hợp tử vong do COVID-19, tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra khoanh vùng, xử lý kịp thời, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong và giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội. 

Đồng thời, nâng cao năng lực phòng xét nghiệm các tuyến, tăng cường công tác xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh, bảo đảm tỷ lệ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm được xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

UBND thành phố giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố) tham mưu chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh phục vụ sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2025 trên địa bàn toàn thành phố. Các cơ quan ban ngành khác phối hợp với UBND thành phố để triển khai hiệu quả các nội dung kế hoạch đã đặt ra.

UBND thành phố yêu cầu tổ chức giao ban định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu về công tác phòng, chống dịch giữa thành phố với các phường, xã để nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh và có các biện pháp chỉ đạo phòng, chống kịp thời. 

Sở Y tế (cơ quan thường trực) tham mưu UBND thành phố đôn đốc các thành viên Ban chỉ đạo và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và tổng hợp báo cáo với UBND thành phố. Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch theo nhiệm vụ được phân công.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD Sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt hơn 947 nghìn tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, tăng 4,5% về lượng và tăng mạnh 66,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.