Hà Nội: Tăng cường vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão

Địa phương
07:07 AM 23/07/2025

Mùa mưa bão kéo theo nguy cơ dịch bệnh do môi trường nước ngập úng tạo thuận lợi cho vi khuẩn, virus và các mầm bệnh phát triển. Để chủ động công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão năm 2025, Sở Y tế Hà Nội triển khai kế hoạch số 3742/KH-SYT về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, kế hoạch được Sở Y tế Hà Nội đưa ra nhằm tập trung mục tiêu chủ động các biện pháp y tế, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão, ngập lụt; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, ngập lụt; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch và phòng chống dịch bệnh tại các xã, phường; phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan bùng phát.

Trước mùa mưa bão, Sở yêu cầu các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, bố trí nhân lực, dự trữ đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ xử lý nước, môi trường và phòng chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng hình thức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, bảo quản và sử dụng nước sạch, thu gom và xử lý rác thải đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, nước sạch và phòng chống dịch bệnh tại các xã, phường cũng được tăng cường nhằm phát hiện, xử lý sớm nguy cơ dịch bệnh.

Hà Nội: Tăng cường vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão- Ảnh 1.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân trên địa bàn Hà Nội vệ sinh môi trường sau mưa bão. Ảnh: Báo Nhân dân

Trong thời điểm xảy ra mưa bão, ngập lụt, ngành y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mức độ ngập úng và điều kiện vệ sinh môi trường, nhất là tại các cơ sở y tế. Cần đảm bảo hoạt động y tế không bị gián đoạn, duy trì giám sát chất lượng nước sinh hoạt, đặc biệt tại các đơn vị cấp nước tập trung, các cơ sở có bể chứa như chung cư, trường học, hộ dân... 

Hóa chất xử lý môi trường, chế phẩm khử khuẩn được cấp phát kịp thời để hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như thau rửa, khử trùng bể chứa nước sạch, thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả ra môi trường.

Cùng với đó, các đơn vị y tế cơ sở cần tích cực giám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa bão, ngập lụt. Tuyên truyền đến người dân và cán bộ y tế về các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh là yêu cầu xuyên suốt.

Sau mưa bão, các hoạt động hỗ trợ xử lý môi trường được triển khai đồng bộ. Các đơn vị khẩn trương thu gom, xử lý xác động vật, gia cầm; khử trùng bể chứa nước, nguồn nước sinh hoạt; phun hóa chất khử khuẩn, rắc vôi bột, phun diệt côn trùng, véc tơ truyền bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Nguyên tắc “nước rút đến đâu, làm vệ sinh đến đó” được áp dụng triệt để nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ môi trường ô nhiễm.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các xã, phường xây dựng hoặc lồng ghép nội dung vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh vào kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn; phân bổ kinh phí, dự trù thuốc điều trị các bệnh mùa mưa bão (da liễu, tiêu hóa, mắt…), hóa chất khử khuẩn (cloramin B, phèn chua…). 

Trạm Y tế các xã, phường phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, thống kê điểm nguy cơ ngập lụt và triển khai vệ sinh môi trường theo hướng dẫn.

Đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát đột xuất vệ sinh, chất lượng nước tại các đơn vị cấp nước thực hiện khai thác, sản xuất nước sạch theo thẩm quyền, đơn vị và hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng cho mục đích sinh hoạt ở vùng bị ngập lụt do mưa lũ. 

Sở Y tế Hà Nội cho rằng cần phối hợp theo dõi chặt chẽ tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, khu vực dân cư bị ngập lụt; hướng dẫn các đơn vị, người dân có biện pháp vệ sinh môi trường, bảo quản nguồn nước, xử lý môi trường ngay sau khi nước rút; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm để phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra tại các khu vực bị mưa bão, ngập lụt.

Thanh Hải
Ý kiến của bạn
Nghệ An vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới Nghệ An vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới

Từ cảng biển đến sân bay, Nghệ An đang từng bước chuyển mình đầy tích cực từ những hoạch định mang tầm chiến lược, hứa hẹn sẽ vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của đất nước…