Hà Nội tăng cường xử lý phương tiện vận chuyển rác thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường

Địa phương
09:57 AM 17/04/2024

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ra công điện đôn đốc công tác vệ sinh môi tường, thu gom vận chuyển rác, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo Thành phố về chất lượng công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

Công điện số 03 ngày 16/4 của Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nêu, thời gian qua, công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố đã có một số chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế. Một số địa bàn, tuyến đường chưa đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, tập kết và vận chuyển rác thải về khu xử lý tập trung của Thành phố, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn Thành phố; tập trung thực hiện các nội dung, chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các Sở, ban ngành của Hà Nội thực hiên nghiêm túc các chương trình, kế hoạch chuyên đề, văn bản chỉ đạo về đảm bảo vệ sinh môi trường của UBND Thành phố đã ban hành trong thời gian qua.

Hà Nội tăng cường xử lý phương tiện vận chuyển rác thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xây dựng phương án, kế hoạch vận hành đối với Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo tiếp nhận, xử lý rác thải liên tục, không bị gián đoạn, không để xảy ra việc ùn tắc các phương tiện vận chuyển rác thải tại các khu xử lý tập trung; thông báo đến chủ đầu tư đối với trường hợp phương tiện vận chuyển rác thải không đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển (rò rỉ nước rỉ rác, rơi rác thải trong quá trình vận chuyển); kiên quyết không tiếp nhận phương tiện vận chuyển rác thải không đúng địa bàn, không đúng chủng loại chất thải.

Phối hợp với chính quyền địa phương nơi có khu xử lý chất thải tập trung đảm bảo phân luồng giao thông kịp thời cho các phương tiện vận chuyển rác thải ra vào khu xử lý tập trung.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn phải đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thu gom, tập kết, vận chuyển rác thải, phế thải.

Đặc biệt, công điện nhấn mạnh, giao Công an Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đối với phương tiện vận chuyển rác thải, tập trung vào các hành vi vi phạm: quá tải, quá khổ, gây ô nhiễm môi trường....

Phối hợp với Ban Chỉ đạo 197 tổ chức đợt cao điểm kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm tập kết rác thải, các phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải, phế thải; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao đối với các phương tiện vận chuyển rác thải, phế thải.

Sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng tại các công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố. Đảm bảo các phương tiện chuyên chở vật liệu, phế thải ra khỏi công trường phải được vệ sinh, che phủ không để vật liệu, phế thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển gây bụi, mất vệ sinh môi trường.

Hà Nội tăng cường xử lý phương tiện vận chuyển rác thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, giám sát đảm bảo chất lượng các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn. Phối hợp với Ban Chỉ đạo 197 quận, huyện, thị xã kiểm tra, yêu cầu các công ty, đơn vị thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn bố trí, sắp xếp điểm tập kết xe thu gom rác thải sinh hoạt phù hợp, hoạt động vận chuyển rác thải đúng quy định, không gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị; Tổ chức thu gom, vận chuyển phế thải, rác thải thu được trong ngày về nơi quy định, đảm bảo không có rác thải tồn đọng gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị; xây dựng và thực hiện các biện pháp tăng cường giám sát, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đốt rác thải và các loại chất thải khác không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường.

Tổ chức tuyên truyền đến các tổ chức, người dân trong việc để rác thải đúng địa điểm, đúng thời gian quy định, không làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường.

Chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường: thực hiện đúng quy định trong quá trình thu gom rác thải; phương tiện vận chuyển rác thải phải đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật theo quy định, không phát ính trong quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các xe vận chuyển chất thải sinh hoạt đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có camera hành trình, GPS, lái xe tuân thủ đúng các quy định về phân luồng và an toàn giao thông được cấp phép lưu hành, chạy theo đúng lộ trình được duyệt. Rà soát, lựa chọn các vị trí tập kết xe gom và cẩu rác phù hợp; có giải pháp để loại bỏ các điểm chân rác, điểm cẩu thùng rác, tập kết xe gom gây cản trở tới giao thông. 

Xây dựng phương án thu gom rác có lộ trình vận chuyển, thời gian hợp lý, không để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải, gây ùn tắc giao thông, tránh hoạt động trong các giờ cao điểm….Tăng cường phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông trong việc kiểm soát xe vận chuyển rác đúng tải trọng, đúng tốc độ; đảm bảo không rơi vãi rác, nước rác và chấp hành nghiêm luật giao thông khi lưu thông trên tuyến đường vận chuyển rác.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm cá nhân trước Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về chất lượng công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.