Hà Nội tăng liên kết, quảng bá để kích cầu du lịch
Sau một thời gian đình trệ vì dịch Covid-19, thị trường du lịch đã bắt đầu khởi động trở lại. Cánh cửa đón khách quốc tế vẫn đang đóng, buộc các DN phải tìm lối đi phù hợp. Các địa phương phải tìm hướng đi đa dạng hóa sản phẩm du lịch và liên kết với các địa phương, DN, điểm đến để thu hút khách, xây dựng sản phẩm mới.
Doanh nghiệp liên kết xây dựng tour mới
Theo Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến 1.190 cơ sở lưu trú, 35 DN vận chuyển, 74 DN lữ hành nội địa, 1.290 DN lữ hành quốc tế, 130 điểm đến du lịch trên địa bàn Thủ đô tạm dừng hoạt động...
Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Sở Du lịch Hà Nội cũng như một số địa phương phối hợp với các DN thực hiện kích cầu trên cơ sở tăng cường liên kết qua đó giảm giá tour, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm mới.
Khách du lịch tìm hiểu tour kích cầu giảm giá tại chương trình. Ảnh: Lê Nam
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho biết: DN lữ hành Hà Nội phối hợp cùng Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội tổ chức kích cầu du lịch bằng đường sắt.
Theo đó hai bên xây dựng các tour trọn gói đi lại bằng tàu hỏa đến các điểm du lịch tại Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Lào Cai... hoặc các điểm du lịch có tuyến đường sắt đi qua với giá khuyến mại.
“Thời gian tới, các DN lữ hành Hà Nội nói chung cũng như DN thuộc Câu lạc bộ nói riêng sẽ tiếp tục thuê nguyên chuyến tàu đưa du khách tới các điểm du lịch Huế, Lào Cai, Vinh...” - ông Hùng chia sẻ.
Không bỏ qua thế mạnh du lịch Hà Nội, vừa qua Công ty Lữ hành Hanoitourist phối hợp cùng Ban quản lý di tích Hỏa Lò xây dựng tour khám phá di tích này vào các tối cuối tuần, bắt đầu từ ngày 24/7; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long làm mới sản phẩm du lịch Hoàng thành Thăng Long.
Quận Hoàn Kiếm đang xây dựng đề án thí điểm đưa trục Hàng Đào - chợ Đồng Xuân trở thành tuyến du lịch mới, đồng thời kết nối không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành thể thống nhất… Bên cạnh đó, nhiều điểm tham quan, vui chơi giải trí cũng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm thu hút khách.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đến nay, đã có 85 DN lữ hành, vận chuyển; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch đăng ký tham gia chương trình liên minh kích cầu qua đó tổ chức 346 tour sản phẩm liên kết đưa khách du lịch Hà Nội đi các tỉnh, thành trên cả nước.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) Ngô Hoài Chung cho rằng: TP Hà Nội có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, là điểm đến an toàn, thú vị với nhiều nét riêng. Nhưng để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đó, Hà Nội cần tạo được sự liên kết giữa các DN lữ hành, điểm đến, lưu trú, xây dựng các tour trải nghiệm phù hợp với từng đối tượng khách và từng thời điểm nhất định.
Tăng cường liên kết với các tỉnh
Để kích cầu du lịch nội địa không còn cách nào khác là chính các DN lữ hành, địa phương phải tăng cường liên kết, từ đó có những bước đi đồng bộ, vững chắc. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm này, các DN lữ hành cần kết nối với các địa phương để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, phối hợp với các điểm đến để xây dựng các tour mới qua đó kích thích nhu cầu du lịch của người dân.
Thực tế, ngay khi hoạt động du lịch nội địa quay trở lại từ đầu tháng 5, ngành du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các địa phương như Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình… Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Du lịch Hà Nội đảm nhiệm việc kết nối, quảng bá điểm đến; DN xây dựng các tour du lịch cụ thể bảo đảm sự an toàn, hấp dẫn.
Đánh giá về hiệu quả các hoạt động liên kết, nhiều DN du lịch cho rằng, việc liên kết vùng du lịch giúp hoạt động lữ hành của các địa phương chuyên nghiệp hơn khi cung cấp dịch vụ; đồng thời giúp các DN lữ hành tìm kiếm điểm đến mới, tăng cường sự trao đổi thu hút khách giữa các địa phương.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng: Lợi thế liên kết giữa TP Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và các tỉnh Tây Bắc chính là có sự khác biệt, bổ trợ cho nhau.
“Sản phẩm du lịch chủ lực của TP Hà Nội du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí… Trong khi thế mạnh của các địa phương trong vùng là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển” - ông Thắng phân tích.
Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Golden Tour Phạm Tiến Dũng chia sẻ thêm, nếu DN khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của vùng không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến, mà còn phát huy được lợi thế của nhau, mở rộng thị trường tiềm năng để phát triển bền vững.
Mới đây, tại hội thảo “Đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Lai Châu”, do Sở Du lịch TP Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải khẳng định: Tỉnh Lai Châu mong muốn ngành du lịch và DN du lịch - lữ hành Hà Nội liên kết với du lịch của địa phương để xây dựng tour du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến Lai Châu.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư
Theo các chuyên gia ngành du lịch mặc dù các DN, địa phương đã đẩy mạnh hoạt động liên kết để giảm giá, xây dựng tour kích cầu, tuy nhiên để người tiêu dùng biết đến những chương trình này cần tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch đến các thị trường trọng điểm, tiềm năng, giữ ổn định thị trường truyền thống. Cùng với đó, các địa phương phối hợp tổ chức sự kiện chung để quảng bá xúc tiến sản phẩm mới, tour tuyến liên vùng.
Chia sẻ về việc cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá các chương trình kích cầu du lịch nội địa, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ: Các địa phương nên chủ động lựa chọn, giới thiệu DN, nhà đầu tư tiềm năng và dự án trọng điểm về phát triển du lịch nhiều tỉnh, thành liên kết hợp tác phát triển du lịch cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư. Riêng TP Hà Nội với vai trò “đầu tầu” cần phát huy vai trò phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận thông tin, chính sách phát triển, kích cầu du lịch của TP Hà Nội.
Không chỉ có vậy, theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh và mật độ dân cư cao đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, xu hướng tiếp cận thông tin du lịch thông qua kênh online ngày càng phổ biến vì vậy du lịch Đồng bằng sông Hồng cần xây dựng và triển khai cổng thông tin chung của du lịch toàn vùng, thông qua website, ứng dụng di động, cập nhật thông tin, xúc tiến du lịch đến với du khách trong và ngoài nước.
“Trung tâm xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phải tăng cường mối liên kết, hợp tác trong việc phối hợp với Hiệp hội, DN, công ty lữ hành cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách” - ông Kiên gợi ý. Đồng tình với quan điểm này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng: Các địa phương cần tập trung xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm của các địa phương theo hướng tạo ra được các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, chất lượng, tạo sự khác biệt và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của du khách; đồng thời phối hợp xúc tiến, quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, với các di sản, danh thắng đặc sắc.
Đặc biệt, cần tăng cường trao đổi thông tin quản lý trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như đào tạo nguồn nhân lực. “Các địa phương cần bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, qua đó kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao nhằm nâng cao hơn sức cạnh tranh” - ông Hiếu nói.
Việc các DN, tỉnh thành đẩy mạnh liên kết với Hà Nội qua đó khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến sẽ phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách hàng nội địa một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, các tỉnh, thành cải thiện mạnh mẽ môi trường du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương để phát triển du lịch bền vững.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đến nay, đã có 85 DN lữ hành, vận chuyển; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch đăng ký tham gia chương trình liên minh kích cầu, qua đó tổ chức 346 tour sản phẩm liên kết đưa khách du lịch Hà Nội đi các tỉnh, thành trên cả nước.
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Hoàn chỉnh các sản phẩm đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới
Để khai thác hiệu quả những lợi thế và nguồn lực phát triển du lịch vùng, DN cần tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới, tour tuyến mới đáp ứng đa dạng nhu cầu và thị hiếu của các phân khúc khách du lịch.
Riêng ngành du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác liên kết với các tỉnh, thành cả nước qua đó mở rộng số lượng DN trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Đông - Tây Bắc tham gia các chương trình kích cầu; tăng cường liên kết với các tỉnh miền Trung, Nam Bộ để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên: Các DN du lịch phải xây dựng được nền tảng cho quảng cáo số
Hiện quảng cáo online thông qua mạng xã hội và các hoạt động liên quan ngày càng chiếm ưu thế bởi hình thức quảng bá truyền thống hiện không còn đạt hiệu quả như mong muốn. Hội đồng Tư vấn du lịch đã hỗ trợ DN du lịch Việt Nam quảng bá trực tuyến thông qua việc tài trợ 100% cho trang Wesite vietnam.travel.
Để quảng bá du lịch Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn nữa, thời gian tới các DN du lịch phải xây dựng được nền tảng cho quảng cáo số thông qua việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0.
Hiện Hội đồng Tư vấn du lịch đang làm việc với Google, Facebook và một số các tập đoàn liên quan đến quảng cáo và các tình nguyện viên yêu Việt Nam, những người nổi tiếng như golf thủ Greg Norman để đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới. Cách làm này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, thể hiện qua hàng chục nghìn lượt truy cập website mỗi ngày, thuộc top đầu lượng truy cập của khu vực châu Á.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu: Xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng phục vụ
Thời điểm hiện nay là lúc các đơn vị xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính kết nối với du khách. Thực hiện kích cầu, giảm giá lúc này là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là các đơn vị cần bắt tay khai thác tiềm năng điểm đến, chuyên nghiệp hơn trong phục vụ.
Tới đây, bên cạnh việc kích cầu, ngành du lịch Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm mới.
Các DN du lịch đăng ký vào trang kích cầu du lịch Hà Nội do Sở Du lịch quản lý để giới thiệu tour, điểm du lịch mới và các dịch vụ lưu trú, vui chơi, mua sắm, ẩm thực uy tín, chất lượng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp du lịch Hà Nội nhanh chóng lấy lại sức bật phát triển sau đại dịch Covid-19.
Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng: Rất cần sự liên kết
Thực tế đã cho thấy, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, du lịch rất cần liên kết. Bởi mỗi địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển, vì không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực độc lập, cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong và ngoài nước.
Chẳng hạn thế mạnh du lịch ở các tỉnh miền Trung là du lịch biển bởi tất cả các tỉnh miền Trung đều có bờ biển, nhưng biển ở mỗi tỉnh có sự phân bổ tiềm năng khác nhau. Vì thế phải dựa vào sự khác biệt để tạo ra sản phẩm.
Hoạt động quảng bá xúc tiến nếu làm đơn lẻ thì khó có thể quảng bá rộng rãi tới khách du lịch, nếu liên kết sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn. Cho nên liên kết là một yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là trải nghiệm mà các vùng miền đúc kết từ thực tiễn nhiều năm trước.
Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.