Hà Nội tăng tốc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, mặc dù năm 2020, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song giá trị nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454,3ha; cấp 617.964/622.861 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa (đạt 99,21%). Hà Nội đã có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.
Đến hết năm 2019 Hà Nội có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), có 352/382 xã đạt chuẩn NTM. Năm 2020 có 9 huyện, thị xã đăng ký đạt chuẩn gồm Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.
Tổng kinh phí huy động xây dựng NTM từ cuối năm 2019 đến nay là 12.355 tỷ đồng trong đó các địa phương vận động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp được trên 609 tỷ đồng, các quận đã hỗ trợ các huyện 43,17 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, các huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thường Tín, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đủ điều kiện đầu tiên và đang tăng tốc để hoàn thiện 9/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.
Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định, thành phố đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đồng bộ và toàn diện.
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Vừa qua đoàn công tác của thành phố cũng đã thẩm định đạt chuẩn NTM đối với 2 xã còn lại của Mê Linh là Tam Đồng và Tự Lập. Mê Linh cũng đang nỗ lực để hoàn thiện các tiêu chí đánh giá huyện NTM sao cho có thể về đích đúng hẹn.
Duy chỉ còn huyện Chương Mỹ vẫn chưa đủ 100% số xã đạt chuẩn NTM và một số tiêu chí khác khó có thể đạt trong thời gian ngắn.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho các huyện đang phấn đấu về đích NTM, trên cơ sở rà soát các tiêu chí còn thiếu, sắp xếp các hạng mục ưu tiên đầu tư của các huyện, thị xã, trong giai đoạn 2020 - 2021 Hà Nội dự kiến sẽ bố trí thêm khoảng 900 tỷ đồng…
Để tạo điều kiện một cách tốt nhất cho các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện xây dựng NTM, Sở Tài chính cần chủ trì, phối hợp tham mưu với thành phố bằng các giải pháp cụ thể. Bên cạnh đó, các huyện phải huy động thêm nguồn ngân sách địa phương và kêu gọi vốn xã hội hóa.
Về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu năm 2020 có 1.000 sản phẩm. Tuy nhiên hiện thành phố mới chỉ đạt 301 sản phẩm nên trong những tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp & PTNT cần phải phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan để tập trung rà soát, tạo điều kiện cho các sản phẩm phát triển, thông qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động của các làng nghề trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định: "Hà Nội có 5 huyện chuẩn bị lên quận, rất cần hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới tiệm cận với các tiêu chí đô thị tương lai. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong Bộ NN&PTNT hỗ trợ sàn giao dịch nông sản, trung tâm thiết kế, quảng bá sản phẩm OCOP... mang tầm quốc gia".
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và thành viên Đoàn công tác đã trao đổi, giải đáp những vướng mắc... Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các xã, huyện xây dựng nông thôn mới để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2020.
Về hướng phấn đấu của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Hà Nội nên cân nhắc lại các chỉ tiêu đặt ra, vì Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi Trung ương đặt mục tiêu 40%. Do đó, Hà Nội cần phấn đấu đạt cao hơn. Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng mô hình làng thông minh trong nông thôn mới, Hà Nội có thể tham khảo để đưa vào mô hình quản trị nông thôn tại 2 xã triển khai mô hình nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô.
Ngoài ra, trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cần chú ý đến môi trường, nhất là việc xử lý rác tại nguồn; quan tâm đến an ninh trật tự ở các xã ven đô. Đặc biệt, thu nhập của nông thôn và thành thị còn chênh lệch, do đó cần phát triển các mô hình kinh tế ở nông thôn để tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Đối với Chương trình OCOP, quan trọng nhất là bảo đảm được chất lượng để sản phẩm "đứng" được trên thị trường.
Nhất trí với Hà Nội về việc xây dựng trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ bàn sâu về cơ chế với thành phố trong thời gian tới.
Hiện nay, Hà Nội đang chủ động xây dựng chương trình để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo gợi ý của Bộ NN&PTNT, Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Qua thực tế triển khai, Hà Nội cũng đề nghị Trung ương có định hướng cho thành phố trong xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa. Mục tiêu của thành phố sẽ có 5 huyện phát triển thành đô thị trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Lê TuấnĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.