Hà Nội: Tạo điều kiện để Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành “Đô thị khoa học và công nghệ”

Địa phương
08:28 AM 22/07/2025

Trong 6 tháng cuối năm 2025, Hà Nội sẽ thành lập thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với làng nghề. Riêng với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong quá trình phát triển cần xác định trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, thành phố khoa học-công nghệ.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tai Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội, ngày 21/7. Nhiều nội dung về thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp, nguồn nhân lực… đã được kiến nghị.

Báo cáo của Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội cho thấy, từ đầu năm đến nay, Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã thu hút được 125 triệu USD vốn đầu tư. Lũy kế đến nay, đã thu hút được 844 dự án (trong đó có 734 dự án trong Khu công nghiệp và 110 dự án trong Khu Công nghệ cao), tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 13,75 tỷ USD. Trong đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút 5 tỷ USD vốn đầu tư, các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội thu hút 9,32 tỷ USD.

Hà Nội: Tạo điều kiện để Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành “Đô thị khoa học và công nghệ”- Ảnh 1.

Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình “Đô thị khoa học và công nghệ” hoàn chỉnh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Đảng bộ Ban Quản lý trong nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: hanoi.gov.vn

Dự kiến, từ nay đến hết năm 2025, thông qua các hoạt động xúc tiến, Ban quản lý sẽ đẩy mạnh thu hút xúc tiến đầu tư qua đó thu hút 450 triệu USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, trong khu công nghệ cao đạt khoảng 80 triệu USD. Qua đó đưa lũy kế thu hút đầu tư cả nhiệm kỳ 2021-2025 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng trên 40% so với giai đoạn 2016-2020.

Trưởng ban Quản lý các Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Hà Nội Vũ Xuân Hùng cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tổ chức đón các doanh nghiệp nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư tại khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Đặc biệt, đơn vị sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường quốc tế, qua đó xây dựng đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai Luật Thủ đô năm 2024 đơn vị sẽ triển khai chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các dự án khoa học công nghệ cao.

Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, công nghệ cao, ông Vũ Xuân Hùng kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp cũng như công nghệ cao Hòa Lạc.

Bên cạnh đó, bố trí ngân sách cho Ban Quản lý để triển khai công tác chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng của khu công nghệ cao Hòa Lạc; hỗ trợ chi phí đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và các hoạt động khoa học công nghệ; miễn, giảm chi phí sử dụng hạ tầng trong khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, năm 2025, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP trên 8%, qua đó tạo tiền đề tăng trưởng 2 còn số trong thời gian tới. Để làm được việc này đòi hỏi đẩy mạnh sản xuất tại các khu công nghệ cao qua đó đưa kinh tế bứt tốc.

Vì vậy thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ thành lập thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với làng nghề để phát triển kinh tế công nghiệp. Riêng với Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong quá trình phát triển cần xác định trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, thành phố khoa học - công nghệ. Cụ thể doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc nên lựa chọn phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực qua đó tạo ra sự cạnh tranh với các địa phương trong cả nước. Kêu gọi đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, từ đó trở thành "đầu tàu" khu vực miền Bắc.

Bên cạnh đó cần xác định rõ mục tiêu phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, bảo đảm phát triển đồng bộ các yếu tố hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học công nghệ. 

Đồng thời, phải bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và cơ quan chức năng liên quan, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện. Trong hoạt động xúc tiến đầu tư cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian xét duyệt hồ sơ đầu tư cho doanh nghiệp.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững Thương mại điện tử: Đòn bẩy xuất khẩu bền vững

Trong bối cảnh kinh tế số toàn cầu, chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những động lực then chốt giúp Việt Nam hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu.