Hà Nội tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch

Địa phương
02:03 PM 18/08/2023

Nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch nói riêng, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức “Hội nghị tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”.

Hội nghị nhằm triển khai kế hoạch số 35/KH-SDL ngày 16/2/2023. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch nói riêng.

Tại Hội nghị, các giảng viên đã phổ biến nội dung quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo các quy định hiện hành cùng với một số nội dung mới có liên quan trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; phổ biến những quy định mới nhất, cập nhật trong công tác phòng cháy chữa cháy đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch - Ảnh 1.

Đại diện các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Hà Nội tham gia tập huấn kiến thức. Ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội hiện có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 603 khách sạn và căn hộ du lịch đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.550 phòng (20 khách sạn 5 sao, 21 khách sạn 4 sao; 8 căn hộ du lịch 5 sao; 2 căn hộ du lịch 4 sao); chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.

Còn lại 3.153 cơ sở lưu trú du lịch chưa xếp hạng (trong đó 765 khách sạn, căn hộ du lịch). Trong 6 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,1%; tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Hà Nội tập huấn kiến thức quản lý cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm 2023, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: TTXVN

Về các cơ sở dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, Hà Nội có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được Sở Du lịch quyết định công nhận. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phuc vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.

Tuy nhiên, nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch về lưu trú du lịch, về kinh doanh dịch vụ du lịch khác chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều.

Đặc biệt rất thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4 - 5 sao) chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Đồng thời, thành phố vẫn còn thiếu các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, thể dục thể thao… phục vụ du lịch chất lượng cao, quy mô lớn, đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.

Thủ đô Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 8%. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 55%.

Để đạt được những mục tiêu đó, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ nỗ lực, tạo bước phát triển toàn diện, đồng bộ cho toàn ngành cả về quy mô, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Từng bước khẳng vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực khác.

Ngô Huy
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.