Hà Nội tập trung chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện để thu hút đầu tư
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để chiến thắng dịch Covid-19 cũng như cải cách môi trường kinh doanh để khôi phục kinh tế ngay sau khi đại dịch được kiểm soát.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu về môi trường đầu tư của Hà Nội
Phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra sáng nay (27-6), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, có nhiều biện pháp đồng bộ, sáng tạo nên Hà Nội chỉ có 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng; 47 ca lây nhiễm được phát hiện cách ly ngay tại sân bay. Các ca nhiễm đều đã được chữa khỏi.
Đến ngày hôm nay, đã qua 72 ngày, chưa có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng. Mọi hoạt động của xã hội đang dần trở lại, trong trạng thái bình thường mới.
Song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được thành phố đặc biệt quan tâm.
Hà Nội có nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư nước ngoài
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn do Covid-19, thành phố đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước. Đồng thời, triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2020 đến nay, thành phố đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính, giấy phép con. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến ngày 30-6-2020 đạt 100%.
Phấn đấu đến ngày 30-9-2020, 100% doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng hóa đơn điện tử; Đã đưa 249/249 (đạt 100%) dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số PCI hai năm liên tiếp (2018, 2019) đứng thứ 9.
Chỉ số gia nhập thị trường tăng 53 bậc so với năm 2015. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số về đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Đồng thời, Hà Nội cũng đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số; xây dựng thành phố thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt; Thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động;
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh giải ngân trong đầu tư công; Cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên; Phấn đấu hết năm 2020, tỷ trọng chi thường xuyên của Thành phố xuống dưới 50%; Giảm tỷ lệ nợ công của thành phố dưới 14%; Tăng quỹ cải cách tiền lương lên trên 38%; Tăng quỹ dự trữ tài chính lên trên 19%.
Hà Nội luôn rộng cửa đón nhà đầu tư nước ngoài
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,14% năm 2015 lên 70,2% năm 2020; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bình quân giai đoạn 2016-2019, GRDP của Thủ đô tăng 7,39. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1,74 triệu tỷ đồng, bằng 38,6% GRDP. Thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách lũy kế đạt trên 2.775 dự án, vốn đăng ký trên 1,4 triệu tỷ đồng;
Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét từ khu vực nhà nước (tỷ trọng giảm từ 43,4% năm 2015 xuống khoảng 36,7% năm 2019) sang khu vực ngoài nhà nước và đầu tư nước ngoài (lần lượt đóng góp 50,6% và 12,7%).
Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 24,8 tỷ USD vốn FDI. Năm 2018, 2019, dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI; Đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 875 dự án trong nước đạt 812,5 nghìn tỷ đồng;
Hà Nội cũng quan tâm phát huy vai trò kinh tế tư nhân. Hiện nay, lĩnh vực này đã đóng góp trên 39% trong GRDP, giải quyết 83% tổng số lao động xã hội. Có 112 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới từ năm 2016 đến nay, chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ năm 1989, với số vốn điều lệ là 1,4 triệu tỷ đồng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2020, GRDP tăng trưởng đạt 3,39%. Có 12.650 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 175 nghìn tỷ đồng, tăng 9% số vốn so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI đạt 4 tỷ USD; Thu ngân sách 06 tháng ước xấp xỉ đạt 50% dự toán.
“Nhờ những giải pháp, biện pháp đồng bộ nêu trên, kinh tế- xã hội, an ninh chính trị của Thủ đô, trong những năm qua và trong thời gian tới, phát triển đúng hướng, tương đối toàn diện và bền vững. Đây chính là những điều kiện tốt để Hà Nội thu hút đầu tư”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Thanh Hoàn - Phú KhánhĐó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.