Hà Nội: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão
Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão.
Thực hiện Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024; chỉ đạo của UBND TP tại các Công điện: số 08/CĐ-UBND ngày 10/8/2024, số 12/CĐ-UBND ngày 08/9/2024, số 13/CĐ-UBND ngày 09/9/2024 và số 14/CĐ-UBND ngày 10/9/2024.
Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở
Công điện yêu cầu, với tinh thần khẩn trương nhất, tiếp tục tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn (trong đó lưu ý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ, lo hậu sự chu đáo cho người thiệt mạng.
Tổ chức cứu trợ, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước trên địa bàn, khẩn trương báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trước 10h ngày 12/9/2024 để tổng hợp, tham mưu UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 12/9/2024; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ đảm bảo nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai lực lượng, phương tiện để hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của các địa phương.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Lên phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực TP và các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, bơm tiêu nước chống úng ngập, các hoạt động sản xuất quan trọng; có phương án cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; vận động hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở và đồ dùng học tập cho các trường học, cơ sở giáo dục bị thiệt hại, tạo điều kiện cho học sinh sớm trở lại học bình thường.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo tập trung khắc phục nhanh các tuyến giao thông phục vụ công tác vận chuyển hàng hóa cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời phân luồng, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Chỉ đạo, phối hợp các lực lượng ứng trực 24/24h; rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác quản lý, thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn; tuyên truyền cho các chủ phương tiện, chủ bến bãi, cảng ký cam kết chấp hành cho phương tiện thủy neo đậu tại chỗ, không hoạt động, di chuyển khi chưa được phép, yêu cầu các phương tiện không neo đậu khu vực gần các công trình vượt sông, đảm bảo an toàn.
Chủ động các biện pháp, phương án ngăn chặn phương tiện giao thông thủy hoạt động, di chuyển, trôi dạt trên sông; thường xuyên quan sát từ xa, phát hiện kịp thời, kiên quyết ngăn chặn (khi cần cho phép áp dụng biện pháp mạnh) khi có phương tiện đường thủy (tàu, phà, xà lan và các phương tiện khác) hoạt động, di chuyển, trôi dạt trên sông để xử lý, chống va trôi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, công trình hạ tầng vượt sông, vị trí trọng yếu trên các tuyến sông, đường thủy nội địa.
Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí; chỉ đạo các nhà mạng đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với mưa, lũ và sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho Nhân dân.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương, rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu. Chỉ đạo các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão, mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ.
Ngoài ra, chỉ đạo tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất nông nghiệp; đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới. Chuẩn bị sẵn sàng phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến trưa ngày 10/9/2024. Tập trung chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước trên địa bàn, tham mưu UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 12/9/2024.
Thương HuyềnNăm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.