Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp

Địa phương
02:09 PM 05/04/2024

Ngày 5/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị ''Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố''.

Ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân nhân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Thủ trưởng các sở, ngành của Thành phố; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp và 90 doanh nghiệp đại diện cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu khai mạc hội ghị. Ảnh: KTĐT

Các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp đóng góp ngân sách hơn 1.100 tỷ đồng/năm

Phát biểu tại Đối thoại, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, tính đến nay, Thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất sử dụng là 1.348 ha. Có 102 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích 2.188ha. Kết quả hoạt động: các khu, cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.

Thời gian vừa qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng 2 khu công nghiệp (KCN Quang Minh 2, diện tích 160 ha và KCN Sạch Sóc Sơn, diện tích 302,8 ha); Hoàn tất thủ tục thành lập mới khu công nghiệp Đông Anh, với diện tích 300 ha; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn để khởi công 25/43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018-2020 nhưng còn vướng mắc thủ tục, phấn đấu hoàn thành khởi công 43/43 cụm công nghiệp trong năm 2024.

Lũy kế đến nay, các KCN đã thu hút được 709 dự án, trong đó có 300 dự án đầu tư nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 409 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng; có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động phân bố tại 17 quận, huyện, thị xã, thu hút khoảng 3.864 chủ đầu tư doanh nghiệp thứ phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Hà Nội đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 44 cụm công nghiệp (CCN) và tổ chức thẩm định thành lập 25 CCN với diện tích 288ha.

Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Hà Nội quyết liệt chỉ đạo tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

Việc hình thành các CCN đã giúp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư của hơn 1350 làng nghề và làng có nghề; qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, hạn chế việc sản xuất phân tán không theo Quy hoạch; giải quyết được mặt bằng cho các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án đầu tư vào CCN, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Việc đầu tư các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI lớn của 27 quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp góp phần tăng tỷ trọng cao về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội với cả nước và đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương và Thành phố, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo lên 24% trong ngành công nghiệp tại các KCN… đóng góp vào chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7-7,5% trong giai đoạn 2021-2025.

Hà Nội với phương châm "Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến"

Tại buổi đối thoại, các đại biểu nhìn nhận, trong quá trình quản lý, đầu tư, phát triển và hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố có phát sinh các khó khăn, vướng mắc. Về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp (giữa Luật đầu tư, Luật đất đai và các Nghị định về quản lý, phát triển CCN); trong lĩnh vực đất đai (chuyển đổi đất lúa, giao đất, cho thuê đất, tính giá đất..); về giải phóng mặt bằng (tiến độ GPMB chậm do ảnh hưởng giãn cách do dịch Covid 19, một số người dân gây khó khăn, di chuyển mồ mả...); về cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận ký quỹ; điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, khó khăn về vốn; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao...

Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp- Ảnh 3.

Đại diện các doanh nghiệp nêu ý kiến tại buổi đối thoại.

Để khắc phục những vướng mắc và đạt được những kết quả nêu trên, UBND Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Thứ nhất, thường xuyên tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ và đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp;

Thứ hai, thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án trên địa bàn Thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng Tổ công tác trong đó có tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp;

Thứ ba, ban hành Nghị quyết 01-NQ/BCSĐ ngày 26/10/2023 của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc giữa các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư thúc đẩy nhanh tiến độ khởi công của CCN; Ban hành Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 03/10/2022 của UBND Thành phố quy định rõ ràng cụ thể trách nhiệm của từng sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư, các đơn vị liên quan, đảm bảo sự thống nhất và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh trong CCN.

Khắc phục triệt để tình trạng phát triển công nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, phòng chống cháy nổ (theo đó các cụm công nghiệp của Thành phố phải có quy mô tối thiểu 30ha, cụm công nghiệp làng nghề quy mô tối thiểu 15ha để có đủ quỹ đất đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn), tiêu chuẩn và định hướng phát triển văn minh, hiện đại của Thành phố.

Các dự án đầu tư thứ phát trong cụm công nghiệp phải có diện tích tối thiểu 2.000m2, trong cụm công nghiệp làng nghề phải có diện tích tối thiểu 1.000m2 để có đủ diện tích cho sản xuất hiện tại và nhu cầu phát triển trong tương lai cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định để đảm bảo các CCN mới đi vào hoạt động sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh hiện đại..

Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp- Ảnh 4.

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp để được tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, các sở, ngành thường xuyên có các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ từng vướng mắc của chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp và các quận, huyện thị xã, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan… Ban Quản lý Khu CN và Sở Công Thương ngoài các hội nghị giao ban định kỳ còn chủ trì cùng các sở, ngành tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như thuế, BHXH, lao động, môi trường, PCCC, ATTP cho các doanh nghiệp.

Đến nay, hầu như các khó khăn vướng mắc đã được tháo gỡ, trong năm 2021 - quý I/2024 đã khởi công 25/43 CCN. Phấn đấu hết năm 2024 khởi công 43/43 CNN. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại 13 Cụm công nghiệp đã khởi công xây dựng năm 2021 - 2023; 02 KCN đang triển khai chuẩn bị đầu tư hạ tầng; 03 KCN đang thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư; 01 KCN đã được Thủ tướng quyết định thành lập .

Tại Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh 3 nhóm vấn đề.

Một là, nhóm các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp.

Hai là, nhóm các vấn đề liên quan đến giải pháp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,...

Ba là, nhóm vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; Về lao động, phòng cháy chữa cháy, chính sách miễn giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính,...

"Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, chính quyền Thành phố mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách,… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô", ông Trần Sỹ Thanh nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, chính quyền Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục hành chính; Hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm "Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc".

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.