Hà Nội tập trung triển khai 3 dự án giao thông, giảm ùn tắc cửa ngõ phía Nam
Đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3, đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, mở rộng quốc lộ 1A là ba dự án giao thông đang và sắp được Hà Nội triển khai xây dựng, kỳ vọng giúp giảm ùn tắc cửa ngõ phía Nam Thủ đô.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến đường quan trọng của Hà Nội và miền Bắc với chiều dài khoảng 30km. Đây được coi là cửa ngõ kết nối Thủ đô với các tỉnh phía Nam và trục cao tốc Bắc - Nam hình thành trong tương lai.
Năm 2018, tuyến đường hoàn thành việc mở rộng với quy mô gồm 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Với tính kết nối quan trọng, trung bình mỗi ngày có khoảng 75.000 lượt xe đi qua tuyến cao tốc này. Cao điểm dịp Tết Giáp Thìn 2024, số lượt xe qua đây đạt 137.000 lượt xe/ngày đêm.
Tuy nhiên nút giao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 thường xuyên là điểm nóng ùn tắc. Dòng ôtô nối đuôi nhau trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng về trung tâm Thủ đô. Để giải bài toán ùn tắc tại cửa ngõ phía Nam thành phố, hồi tháng 7/2023, TP Hà Nội khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3.
Tuyến đường dài 3,4km, rộng 60m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp với tổng mức đầu tư 3.241 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm.
UBND TP Hà Nội cho biết, đây là dự án cấp bách để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân. Dự án còn góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực nội thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam...
Với dự án thứ hai, đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trong trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn qua địa phận các huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Công trình có chiều dài gần 19km, tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Điểm đầu tuyến Km 2+441,00 tại vị trí nút giao với tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo (huyện Thường Tín). Điểm cuối tuyến tại Km 21+410,80 tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ra đường gom dân sinh của nút Đại Xuyên và đoạn đấu nối vào nút giao Đại Xuyên. Dự án nhằm kết nối đồng bộ hệ thống đường giao thông trong khu vực với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Từ đó phục vụ phát triển các khu, cụm và điểm công nghiệp phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung của hai huyện Thường Tín, Phú Xuyên, quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên...
Cũng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ triển khai Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A giai đoạn 2 (đoạn từ Km 191+700 đến Km 193+300) qua địa bàn thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín).
Dự án do UBND huyện Thường Tín làm chủ đầu tư. Quy mô dự án dài khoảng 1,6km, thiết kế 1/2 mặt cắt ngang còn lại theo quy hoạch 19m. Cùng với đó, còn có công trình cầu Thường Tín tại Km 193+60,46, bề rộng mặt cầu 18m.
Tổng mức đầu tư dự án là 499 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường hỗ trợ, tái định cư hơn 346 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 107 tỷ đồng. Dự án hoàn thành góp phần nâng cao năng lực phục vụ của tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cửa ngõ phía Nam thành phố.
Ngô HuyTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.