Hà Nội: Thêm hai sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 5 sao

Địa phương
02:58 PM 18/07/2023

Bộ sản phẩm gốm men Suối Ngọc, của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (huyện Gia Lâm) và sản phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức) là hai sản phẩm OCOP của Hà Nội vừa được cấp chứng nhận 5 sao.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Thủ tướng phát động từ năm 2018, Hà Nội đã vào cuộc tích cực, với sự chỉ đạo triển khai tổ chức đồng bộ hiệu quả từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm cung ứng ra thị trường và sự đón nhận hưởng ứng, nhận diện của các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP. Thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 8 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Ngày 17/7, Bộ NN&PTNT đã tổ chức trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia đạt tiêu chuẩn 5 sao cho 12 chủ thể. Trong số này có 2 chủ thể đến từ Hà Nội.

Hà Nội: Thêm hai sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 5 sao - Ảnh 1.

Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Ảnh: Hà Nội mới

Với bộ sản phẩm gốm men suối ngọc, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã vinh dự nhận được giấy chứng nhận OCOP cấp Quốc gia từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Đây tiếp tục là một thành công nữa của ngành hàng gốm sứ Hà Nội.

Trước đó, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) đã có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Đó là “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”.

Hà Nội: Thêm hai sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 5 sao - Ảnh 2.

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận giới thiệu sản phẩm được sản xuất từ tơ sen. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Đối với sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), đây là sản phẩm được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá rất cao. Đồng thời đề nghị chủ nhân của ý tưởng là bà Phan Thị Thuận chia sẻ bí quyết để nhân rộng kỹ thuật sản xuất cho người dân các địa phương khác của cả nước.

Cũng trong dịp này, có 20 sản phẩm khác của 10 chủ thể đã được Bộ NN&PTNT trao chứng nhận OCOP 5 sao. Các địa phương có sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận đợt này gồm: Trà Vinh (3 sản phẩm); Kiên Giang (6 sản phẩm); Bình Phước (3 sản phẩm); Bến Tre (4 sản phẩm); Phú Thọ, Đồng Tháp, Nghệ An và Quảng Ninh - mỗi địa phương có 1 sản phẩm OCOP 5 sao.

Sản phẩm đạt “Sản phẩm OCOP cấp Quốc gia” được Bộ NN&PTNT cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; được sử dụng biểu trưng và tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng, kể từ ngày công nhận.

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Bộ NNPTNT, và các cấp, ngành, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP; Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế và theo yêu cầu của thị trường; Triển khai hiệu quả xây dựng các mô hình thí điểm; Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại;

Đồng thời, xây dựng và quản lý đồng bộ và hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam; Tập trung, ưu tiên thị trường trong nước; Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; Nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng và tăng cường kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP…

Huyền My
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.