Hà Nội: Thí điểm tổ chức suất ăn sẵn cho học sinh bán trú
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh theo hình thức tổ chức tập trung suất ăn sẵn từ năm học 2025-2026.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 25 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, ngày 9/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã làm rõ nhiều nội dung cử tri và đại biểu quan tâm liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.
Đáng chú ý, bà Hà thông tin thành phố sẽ thí điểm mô hình tổ chức bữa ăn bán trú theo hướng tập trung suất ăn sẵn tại trường học và bệnh viện nhằm kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến khâu chế biến.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội đang triển khai chỉ đạo từ Trung ương và Thành ủy về nâng cao chất lượng bữa ăn học đường. Dự kiến từ năm học 2025 - 2026, thành phố sẽ thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh theo hình thức tổ chức tập trung suất ăn sẵn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm
“Việc này nhằm kiểm soát toàn bộ quy trình từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản đến vận chuyển và phân phối đến các trường học. Thành phố sẽ xây dựng thực đơn phù hợp với từng độ tuổi, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giảm thiểu các khâu trung gian vốn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn” - bà Hà nhấn mạnh.
Trong giai đoạn tiếp theo, mô hình này cũng sẽ được triển khai thí điểm tại một số bệnh viện lớn nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn và kiểm soát chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh trong suất ăn bệnh viện.
Cùng với mô hình suất ăn sẵn, TP Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm các khu thương mại ẩm thực theo tiêu chuẩn khu vực, có kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc nguyên liệu, quy trình chế biến và vệ sinh môi trường. Đồng thời, sẽ xây dựng các tuyến phố ẩm thực đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, với tiêu chí do TP ban hành.
Theo bà Hà, các mô hình mới này sẽ tác động đến nhiều nhóm đối tượng trên địa bàn. "Vì thế, chúng tôi mong rằng, mỗi người dân Thủ đô cùng cộng tác, chung tay để bảo đảm ATTP trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó, mỗi người dân là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, kiên quyết tẩy chay thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 80.000 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, quản lý bởi ba ngành Y tế, Nông nghiệp - Môi trường và Công Thương.
Để tăng cường giám sát, từ năm 2023 đến nay, TP đã thành lập gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cấp. Tổng số tiền xử phạt các vi phạm ATTP từ năm 2023 đến nay là hơn 52 tỷ đồng, riêng 5 tháng đầu năm 2025 là khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, đã khởi tố 11 vụ án với 21 bị can liên quan đến vi phạm ATTP.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định công tác bảo đảm ATTP đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cải thiện, không có vụ ngộ độc lớn.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phân cấp rõ ràng công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm đủ nhân lực và năng lực cán bộ, đồng thời phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, MTTQ và các đoàn thể trong công tác phối hợp.
Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát ATTP, như xây dựng bản đồ thực phẩm sạch, chỉ dẫn thông minh và cảnh báo địa chỉ vi phạm. Về lâu dài, Hà Nội sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng pháp lý kiểm soát toàn diện chuỗi thực phẩm.
Huyền My
NHNN đang nghiên cứu kỹ lộ trình bỏ room tín dụng trên cơ sở đánh giá các tác động vĩ mô để tìm giải pháp phù hợp mà vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.