Hà Nội thí điểm xe điện bốn bánh kết nối hồ Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long
UBND thành phố Hà Nội vừa có kết luận thông báo về việc thống nhất chủ trương triển khai thí điểm xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tham quan, du lịch kết nối 2 Di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long theo đề xuất của Công ty cổ phần Đồng Xuân.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thành phố thống nhất chủ trương về việc triển khai thí điểm xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tham quan, du lịch kết nối 2 Di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long (lộ trình, phương thức hoạt động, số lượng phương tiện) theo báo cáo, đề xuất của Sở Giao thông vận tải; thời gian thí điểm đến khi Luật Đường bộ được thông qua và có hiệu lực thi hành, nhưng không quá ngày 31/12/2025.
Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm xe bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ chở khách tham quan, du lịch. Rà soát nội dung Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 25/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Quy định số lượng xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn thành phố phù hợp kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn giao thông”, báo cáo đề xuất, tham mưu cho UBND thành phố xem xét, chỉ đạo đối với việc điều chỉnh bổ sung, tuyến thí điểm, điều chỉnh số lượng phương tiện linh hoạt theo tình hình hoạt động thực tiễn theo đúng trình tự quy định.
Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn Công ty cổ phần Đồng Xuân phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội rà soát kỹ về hướng tuyến, bãi đỗ xe tại điểm đầu, điểm cuối, đảm bảo an toàn giao thông, không gây ùn tắc giao thông; có phương án điều chỉnh hướng tuyến trong trường hợp cấm đường theo thông báo của Công an thành phố; rà soát toàn bộ phương tiện xe điện bốn bánh đảm bảo các quy định về chất lượng, điều kiện về an toàn khi tham gia giao thông; xây dựng hình ảnh nhận diện phương tiện (màu sắc, thiết kế logo, nhận diện thương hiệu…).
Người điều khiển phương tiện phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ… Triển khai thí điểm khi đảm bảo thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND Thành phố, yêu cầu của các cơ quan chuyên môn theo đúng quy định.
Trước đó, Hà Nội đã cho phép xe điện bốn bánh hoạt động trong lòng phố cổ phục vụ du lịch từ tháng 6/2010. Qua thời gian thí điểm, xe điện được đánh giá có hiệu quả cao, mức giá hợp lý, đem đến cảm giác gần gũi, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch.
Đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường, tốc độ vận chuyển của phương tiện thấp nên đảm bảo an toàn khi lưu thông. Hoạt động của xe điện bốn bánh đang rất được người dân quan tâm, nó đã thể hiện tính ưu việt là giảm ô nhiễm môi trường và tránh ùn tắc giao thông, xây dựng hình ảnh du lịch, văn minh, hiện đại.
Việc triển khai thí điểm xe điện bốn bánh vận chuyển hành khách tham quan, du lịch kết nối 2 Di tích Quốc gia đặc biệt: Hồ Hoàn Kiếm – Hoàng thành Thăng Long sẽ góp phần vào việc bảo tồn, tôn vinh, quảng bá về giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội và thúc đẩy du lịch xanh của Hà Nội phát triển.
Vy Linh - Tri ThứcHội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính. Trong đó, VDCA đề xuất mức thuế suất 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số, giải trí số.