Hà Nội: Thông qua mức hỗ trợ doanh nghiệp SME và startup
Nhằm tạo động lực phát triển, đóng góp vào mức tăng trưởng tối thiểu 10% GRDP giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nội đã mạnh tay chi hơn 240 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp SME và startup.
Theo Chi cục Thống kê Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 15,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 158,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng 10,9% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5,5%. Như vậy, mỗi tháng bình quân Hà Nội có 2.600 thành lập mới. Trong số đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm tới 98,2%, tạo việc làm cho hơn 55% lao động và đóng góp trên 40% GRDP của thành phố.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hiện, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với khoảng 1.000 startup công nghệ, chiếm 26,3% tổng số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc. Trên địa bàn thành phố cũng tập trung tới 32 vườn ươm doanh nghiệp (chiếm 38,1% cả nước) và 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (accelerators), chiếm 40% cả nước, hoạt động đa ngành từ công nghệ số, y tế, nông nghiệp thông minh tới logistics và năng lượng sạch.
Nhằm tạo động lực phát triển, đóng góp vào mức tăng trưởng tối thiểu 10% GRDP giai đoạn 2026 - 2030, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách lên tới 241,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm 192,5 tỷ đồng, phần còn lại đến từ vốn đối ứng của doanh nghiệp hoặc các nguồn hợp pháp khác. Đây được xem là cơ chế riêng có của Hà Nội nhằm giải cứu và tiếp sức cho khu vực doanh nghiệp vốn đang chịu nhiều tổn thương trong bối cảnh tỷ lệ rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, vượt xa tốc độ thành lập mới.
Chính sách mới của Hà Nội cũng đặt trọng tâm vào hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, khoa học kỹ thuật và ứng phó biến đổi khí hậu.
Cụ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thuê trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung hoặc tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tối đa 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm; 50% giá trị hợp đồng thuê mặt bằng, không quá 10 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp; 70% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển trí tuệ nhân tạo, tối đa 100 triệu đồng/học viên/năm. Tổng thời gian được hỗ trợ không quá 3 năm kể từ thời điểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo - những ngành được xác định là chủ lực, cũng sẽ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng/năm cho các hợp đồng tư vấn chuyên sâu.
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp, Nghị quyết còn hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên, với mức hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tối đa 20 triệu đồng/người/năm. Đây là một phần trong chiến lược dài hơi của Hà Nội nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững, chuyên nghiệp hơn, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và đổi mới công nghệ toàn cầu.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, được coi là đòn bẩy chiến lược để Hà Nội tiến gần tới mục tiêu tăng trưởng GRDP tối thiểu 10% mỗi năm.
Minh An
Giá xăng, dầu tại kỳ điều hành hôm nay (10/7) được điều chỉnh tăng sau khi giảm mạnh vào tuần trước, giá xăng RON 95 vượt 20.000 đồng/lít.