Hà Nội thông tin quy hoạch Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phía Đông hồ Gươm

Địa phương
10:25 AM 20/03/2025

Ngày 19/3, UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội thông tin về việc Quy hoạch khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục và Khu vực không gian công cộng phía Đông Hồ Hoàn Kiếm.

Theo đó, tổng diện tích dự kiến khu vực Quảng trường Đông Kinh-Nghĩa Thục khoảng 1,2ha, có phạm vi ranh giới: Phía Bắc giáp phố Hàng Gai và Cầu Gỗ; Phía Nam giáp mép hồ Hoàn Kiếm và nhà Thủy tọa; Phía Đông giáp phố Hồ Hoàn Kiếm; Phía Tây giáp tòa nhà Hồng Vân-Long Vân.

Hiện trạng gồm quảng trường là hiện trạng đất giao thông và tòa nhà Trung tâm thương mại - dịch vụ - ăn uống Hồ Gươm do Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đang quản lý, vận hành, được xây dựng từ năm 1991-1993 (diện tích đất khoảng 390 m2, diện tích sàn sử dụng khoảng 1.600 m2).

Khu vực không gian công cộng phía Đông hồ Hoàn Kiếm có tổng diện tích dự kiến khoảng 2,14 ha, có phạm vi ranh giới phía Tây giáp hồ Hoàn Kiếm và đường Đinh Tiên Hoàng; phía Bắc giáp khu dân cư hiện có; phía Đông giáp phố Lý Thái Tổ; phía Nam giáp phố Trần Nguyên Hãn.

Hà Nội thông tin quy hoạch Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phía Đông hồ Gươm- Ảnh 1.

Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm

Hiện trạng khoảng 54 chủ sử dụng nhà đất, trong đó bao gồm: 12 tổ chức, cơ quan, đơn vị (Sở Văn hóa và Thể thao, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Viện Văn học, Chi cục Dân số Hà Nội, Hội Người mù Hà Nội, Văn phòng giao dịch Kho bạc Nhà nước, Khách sạn Điện lực, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty truyền tải điện số 1, Trụ sở Ban tiếp công dân TP và 2 Hợp tác xã hiện là nhà chuyên dùng) và khoảng 42 hộ dân.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, số liệu trên cơ sở điều tra sơ bộ đến thời điểm hiện tại, số liệu chính xác sẽ có sau khi vào đo đạc điều tra khảo sát và thu thập đầy đủ hồ sơ nhà đất của các hộ dân.

Về định hướng quy hoạch, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận (A5), chức năng định hướng chung là đất phố cũ, trong đó đã định hướng chính về không gian: Bảo tồn hình ảnh đặc trưng của khu vực Hồ Gươm; Cải thiện các cảnh quan xung quanh hồ Gươm, bảo tồn tôn tạo, quản lý bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa, xung quanh các công trình di tích có giá trị, trên các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay,... và xung quanh các quảng trường công cộng như quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, quảng trường khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ...

Bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cách mạng như: đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Bưu điện Hà Nội, trung tâm thương mại Tràng Tiền, khu vực tượng đài Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh...;

Di dời một số đơn vị và cơ quan để quy hoạch, cải tạo nâng cấp mở rộng trụ sở các cơ quan của TP. Hà Nội như: Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, HĐND TP. Hà Nội...; Bổ sung các công trình phục vụ tiện ích công cộng phục vụ du lịch, văn hóa chất lượng cao.

Cải thiện điều kiện về hạ tầng đô thị và môi trường cho khu vực. Bảo tồn tôn tạo không gian mặt nước cây xanh, kết nối khu vực hồ Gươm với khu vực phố cổ, phố cũ, khu Hoàng thành Thăng Long và sông Hồng. Phát triển thêm các vườn hoa, tiểu cảnh, lối đi bộ tại những không gian cải tạo xây dựng lại các công trình trong khu vực….

Khuyến khích thực hiện đề án di dời một số văn phòng, trụ sở cơ quan cấp bộ, trụ sở cơ quan trực thuộc Chính phủ, các công ty, tổng công ty nhà nước. Quỹ đất sau khi di dời sẽ khai thác để xây dựng: Trụ sở của các cơ quan đầu não về chính trị - hành chính của UBND TP Hà Nội, hệ thống các công trình công cộng như công viên, công trình văn hóa, bãi đỗ xe, bến tàu điện, quảng trường, trục đi bộ...

Khuyến khích cải tạo các khu nhà ở cũ, tạm, không có giá trị nằm bên trong lõi các khu phố; chuyển đổi xây dựng các công trình văn hóa, dịch vụ và phục vụ cho tái định cư.

Cho phép có điều kiện chuyển đổi chức năng sử dụng đất ở sang đất dịch vụ, phải đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng như: bãi đỗ xe, quảng trường xung quanh...

Về quy hoạch đường sắt đô thị: Dọc theo phố Đinh Tiên Hoàng ở phía Tây xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đi ngầm.

Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008 với các thông số: Chiều dài tuyến khoảng 11,5km (đi trên cao khoảng 2,6km, đi ngầm khoảng 8,9 km). Trên tuyến có 10 nhà ga với 3 ga trên cao và 7 ga ngầm (Trong đó có ga C9).

Đối với ga C9: Theo phương án đã được Thường trực Chính phủ thống nhất tại Thông báo số 328/TB-VPCP ngày 14/10/2022, ga C9 xây dựng ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước các khu đất của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, UBND TP Hà Nội.

Việc nghiên cứu và xây dựng 2 khu vực quảng trường, không gian công cộng góp phần nâng cao giá trị lịch sử vốn có về văn hóa, lịch sử, kết nối Khu di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm với khu di tích Quốc gia Khu phố cổ.

Riêng khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm được nghiên cứu, thực hiện theo mô hình TOD trong việc triển khai tuyến đường sắt đô thị ngầm (tuyến số 2 - đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) gắn với nhà ga ngầm C9 tại phía Tây khu đất (bao gồm các hệ thống lối lên xuống nhà ga tại khu vực này), góp phần tăng cường hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian công cộng, phục vụ cộng đồng nhân dân Thủ đô, phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và định hướng tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/12/2024.

Về triển khai dự án và tiến độ giải phóng mặt bằng, quy trình triển khai dự án; cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí tạm cư cho các tổ chức, hộ gia đình trong phạm vi dự án đầu tư; quỹ đất dự kiến bố trí tái định cư: Hiện đang được các Sở ngành TP và các địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND TP. Hà Nội theo chỉ đạo, đảm bảo tiến độ di dời theo đúng kế hoạch đề ra.

Đối với việc lập Quy hoạch 2 khu vực không gian công cộng nêu trên và hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư, triển khai dự án sẽ được các Sở, ngành TP, UBND quận Hoàn Kiếm, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các nhà tư vấn, chuyên gia thực hiện khẩn trương, tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt sẽ được triển khai trên cơ sở các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 (Điều 5-6) về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TPHCM và Luật Thủ đô 2024 (Điều 31).

Dự kiến sẽ giải phóng mặt bằng tòa nhà “Hàm cá mập” trước 30/4/2025 và giải phóng mặt bằng khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm trước 2/9/2025.

Huyền My
Ý kiến của bạn
Những chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2025 Những chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2025

Trong tháng 4/2025, nhiều chính sách quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước; thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất; phân bổ vốn đầu tư công...