Hà Nội: Thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Hà Nội đang triển khai những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành lực lượng trung tâm, đóng vai trò đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân sẽ giữ vai trò then chốt, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cụ thể, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025, kinh tế tư nhân tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ được đào tạo về quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi số đạt ít nhất 60%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

Ảnh minh họa
Ngoài ra, Hà Nội kỳ vọng có 230.000 doanh nghiệp đang hoạt động; có ít nhất 3 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi gia trị toàn cầu, đóng góp khoảng 50 - 55% GRDP, khoảng 45 – 50% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 55 – 60% tổng số lao động, năng suất lao động bình quân tăng 7 - 7,5%/năm.
Đến hết năm 2030, kinh tế tư nhân tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số ở mức toàn diện.
Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt từ 50% trở lên; tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực quản trị đạt chuẩn, triển khai hiệu quả chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh đạt từ 70 – 80%; phấn đấu tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân đạt 55 – 60% GRDP… Đây là minh chứng cho hướng đi chiến lược mà Hà Nội đang theo đuổi: tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp sáng tạo, công nghệ cao, có khả năng vươn ra thị trường quốc tế.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đầy tham vọng, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đồng thời bảo đảm quyền tài sản, quyền cạnh tranh và quyền tự do kinh doanh một cách minh bạch, công bằng và bình đẳng.
Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận hiệu quả các nguồn lực thiết yếu như đất đai, tín dụng, và nhân lực chất lượng cao; khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong kế hoạch hành động cụ thể, Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và khu vực FDI, nhằm hình thành các chuỗi cung ứng mang tính bền vững và giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thành phố định hướng xây dựng và phát triển các doanh nghiệp tư nhân có quy mô khu vực và toàn cầu. Những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực dẫn dắt đổi mới, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hà Nội cũng cam kết thúc đẩy đạo đức kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội và khuyến khích cộng đồng doanh nhân tích cực đồng hành cùng sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Huyền My
Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 21,51 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024.