Hà Nội: Thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7% thì quý III/2023, tăng trưởng của TP. Hà Nội phải từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Kinh tế Thủ đô bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp khó khăn, sức mua của thị trường nội địa và sản xuất, kinh doanh có xu hướng tăng chậm lại… qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thực hiện hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu KTXH năm 2023.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 7% các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra từ đầu năm, tập trung khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ còn chậm tiến độ.
6 tháng cuối năm 2023, UBND TP. Hà Nội sẽ tập trung đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng. Kiên định mục tiêu đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống. Cân đối thu, chi ngân sách; cân đối cung - cầu, nhất là cân đối về xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng; cung cấp điện an toàn, ổn định… Tiếp tục củng cố và phát huy cao nhất các động lực tăng trưởng của xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.
TP tăng cường đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm (đường Vành đai 4; các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích…); Công tác giải phóng mặt bằng; tăng trách nhiệm người đứng đầu; đưa kết quả giải ngân thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2023...
Trong nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thủ đô thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa; Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; kiểm soát dịch COVID-19, các dịch bệnh mùa hè. Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội…
Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Hoàn thành và trình duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thực hiện Nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và đề xuất nội dung điều chỉnh Luật Thủ đô để trình Quốc hội thông qua. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển". Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số. Thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số PAPI, SIPAS, PAR Index, các chỉ số PCI và PGI.
Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao được đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp CCCD và định danh điện tử cho công dân; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, dân vận tạo đồng thuận xã hội.
Minh AnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.