Hà Nội: Tiềm năng thu hút du khách Halal
Hà Nội, với vị thế là trung tâm chính trị - văn hóa - du lịch của cả nước, hoàn toàn có thể đi đầu trong việc hình thành một hệ sinh thái du lịch Halal chuẩn mực.
Du lịch Halal là một khái niệm còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo đang dần trở thành xu hướng phát triển bền vững, định hình lại bản đồ du lịch thế giới nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng cùng những đòi hỏi khắt khe về chất lượng dịch vụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Du lịch Halal được dự báo sẽ cán mốc trên 200 tỷ USD vào năm 2025 và vượt 350 tỷ USD vào năm 2030, trở thành một trong những phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của ngành du lịch toàn cầu.
Dân số Hồi giáo hiện đã vượt 2 tỷ người, trong đó 67% sẽ ở độ tuổi dưới 40 vào năm 2034 một nhóm khách trẻ có nhu cầu du lịch cao và mức chi tiêu lớn, mở ra tiềm năng rất lớn cho các điểm đến trên thế giới.
Tại Tọa đàm “Phát triển du lịch Halal tại Hà Nội - Việt Nam”, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, những năm qua, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường khách du lịch Halal đến Hà Nội bao gồm các quốc gia như: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bangladest, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Pakistan, Nigieria, Iran, Irac, UAE, Ai Cập, Brunei, Quatar,...
Giai đoạn 2022 đến nay, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội cơ bản tăng trưởng tốt, năm sau cao hơn năm trước, trong đó có các thị trường khách từ các quốc gia Halal. Đặc biệt năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường các nước Halal so với năm 2023. Chỉ riêng thị trường Ấn Độ đạt hơn 325.000 lượt, tăng gần 40% so với năm trước.
Hà Nội cũng là nơi duy nhất tại Việt Nam có Thánh đường Hồi giáo Al-Noor, biểu tượng kết nối cộng đồng Hồi giáo với đời sống văn hóa bản địa. Các khách sạn 4 - 5 sao như: Melia Hanoi, Intercontinental Landmark72, JW Marriott... đã triển khai phục vụ suất ăn Halal theo yêu cầu. Một số nhà hàng như: Khazaana, D’Lion cũng là lựa chọn quen thuộc của du khách Hồi giáo.
Hà Nội còn được các chuyên trang quốc tế như: Tripzilla, Numbeo đánh giá là thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ, điều này đặc biệt quan trọng với du khách Hồi giáo, vốn rất chú trọng yếu tố môi trường du lịch tôn trọng giá trị đạo đức và gia đình.
Hà Nội đã và đang từng bước nghiên cứu, tiếp cận và triển khai các hoạt động nhằm phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách Hồi giáo. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn mới mẻ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các đối tác trong, ngoài nước.
Ông Miêu Abbas - Chủ tịch Halal Việt Nam (HVN) đưa ra nhiều đề xuất quan trọng để Hà Nội - với vị thế là trung tâm chính trị - văn hóa - du lịch của cả nước - hoàn toàn có thể đi đầu trong việc hình thành một hệ sinh thái du lịch Halal chuẩn mực.
Thứ nhất, phối hợp xây dựng Bộ hướng dẫn Halal dành riêng cho lĩnh vực du lịch - dịch vụ tại Hà Nội. Thứ hai, tổ chức các khóa đào tạo - tư vấn định kỳ nhằm nâng cao năng lực triển khai của doanh nghiệp. Thứ ba, thành lập Trung tâm Giới thiệu và Xúc tiến Du lịch Halal Hà Nội - điểm kết nối với thị trường Halal quốc tế. Cuối cùng, đưa Hà Nội vào bản đồ du lịch Halal toàn cầu do HVN đề xuất và phát triển.
Ông Miêu Abbas nhấn mạnh: Chúng tôi không coi Halal là một lựa chọn, mà là cơ hội chiến lược để Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế - bằng chất lượng, đạo đức và sự chuẩn bị bài bản.
Sở Du lịch thành phố Hà Nội sẽ tham mưu xây dựng chính sách cụ thể thúc đẩy du lịch Halal như một phân khúc chiến lược trong định hướng mở rộng thị trường quốc tế. Đào tạo nhân lực chuyên biệt cần được ưu tiên hàng đầu bằng việc mở các khóa tập huấn cho lễ tân, đầu bếp, hướng dẫn viên... với sự phối hợp của các tổ chức Halal và trường chuyên ngành nhằm chuẩn hóa dịch vụ.
Minh An
Ngày 2/7, Diễn đàn Tiêu dùng bền vững 2025 với chủ đề "Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh" đã diễn ra tại Hà Nội.