Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội tiếp tục tăng cường hoạt động giao lưu, giới thiệu nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP cũng như đánh giá, phân loại và xếp hạng cho các sản phẩm mới.
Thực hiện Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 24/5/2022 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) thành phố Hà Nội năm 2022; Kế hoạch số 68/KH-HĐOCOP ngày 11/8/2022 của Hội đồng OCOP thành phố về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022, Hà Nội dự kiến đánh giá, phân hạng khoảng 400 sản phẩm, tuy nhiên, theo số liệu đăng ký của các quận, huyện, thị xã đến nay là 488 sản phẩm; đến nay cấp huyện đã tiến hành đánh giá trên 200 sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Theo đó, ngày 18/11 vừa qua, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần I năm 2022 cấp thành phố cho 46 sản phẩm thuộc các quận, huyện: Ứng Hoà, Thanh Xuân, Mỹ Đức, Hoài Đức năm 2022 theo kế hoạch số 68/KH-HĐOCOP.
Để bảo đảm công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực chất, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đề nghị các thành viên Hội đồng OCOP thành phố bám sát những tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế của Hội đồng OCOP TP Hà Nội, thực hiện đánh giá một cách khách quan, công bằng, công khai, minh bạch đối với tất cả sản phẩm.
Trong 46 sản phẩm được đưa ra đánh giá, có 23 sản phẩm thuộc huyện Ứng Hoà, 02 sản phẩm thuộc quận Thanh Xuân, 04 sản phẩm thuộc huyện Mỹ Đức và 17 sản phẩm thuộc huyện Hoài Đức.
Các sản phẩm tham gia lần này chủ yếu là sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương từ các làng nghề truyền thống như: các sản phẩm nhạc cụ dân tộc thuộc làng nghề ở xã Đông Lỗ; hương trầm của xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa); các sản dệt thuộc xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); sản phẩm bún, miến thuộc làng nghề làm miến, bánh kẹo xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức);...
Trong đó, nhiều sản phẩm có xu hướng phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các chủ thể tham gia cũng đã chủ động quan tâm đến chất lượng, bao bì nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm,… theo quy định của sản phẩm.
Một số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, năm 2022, có 488 sản phẩm được đăng ký đánh giá, phân hạng. Đến nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đang khẩn trương đánh giá tại cơ sở. Từ kết quả đó, Hội đồng Thành phố tiếp tục đánh giá lần 1 và lần 2. Các sản phẩm đạt tiêu chí, Hội đồng Thành phố sẽ trình UBND Thành phố xét, công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.
Trước đó, ngày 30/9, Hội đồng OCOP TP. Hà Nội đã tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 41 sản phẩm của 3 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm và Quốc Oai. Kết thúc đợt đánh giá, phân hạng đầu tiên của năm 2022, 41 sản phẩm đều đủ điều kiện trình UBND TP. Hà Nội cấp từ 3 sao OCOP trở lên.
Đến ngày 31/10, Hội đồng OCOP TP. Hà Nội tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2022 đối với 47 sản phẩm của các chủ thể thuộc 3 quận, huyện: Hoàng Mai, Mỹ Đức và Sóc Sơn.
Sắp tới, chương trình OCOP sẽ có một số thay đổi như: Hạn chế tối thiểu tiêu chí cảm quan, đưa tính cộng đồng lên cao hơn 40 điểm; chất lượng sản phẩm nâng lên, được tiêu chuẩn hóa. Riêng sắp tới, cấp xã sẽ phụ trách tham gia đánh giá OCOP hai nội dung như: tỷ lệ lao động địa phương và vùng nguyên liệu. Đồng thời, các chủ thể cũng phải tự đánh giá và chấm điểm OCOP cho chính mình để việc tổ chức các hoạt động được hiệu quả, giảm bớt sức nặng cho Hội đồng OCOP thành phố.
Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng năm 2022.
Năm 2022, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội xác định tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ làm chặt chẽ các hồ sơ, minh chứng chất lượng sản phẩm. Hà Nội cũng sẽ tăng cường hỗ trợ các chủ thể OCOP đẩy mạnh chuyển đổi số, quảng bá, tiêu thụ để sản phẩm OCOP phát triển xứng tầm thương hiệu.
* Văn phòng Nông thôn mới đồng hành cùng bài viết này.
Lê TuấnTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.